Thứ Bảy, 16 tháng 4, 2022

Hội thi làm mứt Tết


Nhằm tạo sân chơi cho công đoàn viên, giao lưu, gắn kết, chia sẻ kinh nghiệm; ngày 22/01/2021, Trung tâm Văn hóa quận tổ chức hội thi làm mứt Tết với chủ đề “Cây lộc xuân”.

          Có 3 đội tham gia hội thi, mỗi đội gồm 2 thí sinh thực hiện một món mứt truyền thống ngày tết.

          Kết quả, Ban tổ chức trao 1 giải nhất, 1 giải nhì, 1 giải ba.                  

MH

Giám khảo chấm điểm hội thi về món mứt. (Ảnh NT)
Giám khảo chấm điểm hội thi về món mứt. (Ảnh NT)


Nguyên Tiêu - Ngày thơ Việt Nam


·        LỆ THANH

Theo truyền thống dân tộc ta, sau một năm lao động vất vả, Nhân dân tự thưởng cho mình một thời gian khoảng 2 tuần nghỉ ngơi vào dịp đầu năm để du xuân. Đến ngày Tết Nguyên Tiêu, Rằm tháng Giêng đánh dấu sự kết thúc những ngày “ăn chơi” để bắt tay vào công việc của một năm mới.

Tết Nguyên Tiêu cũng còn được gọi là Nguyên Tịch, Nguyên Dạ hoặc Thượng Nguyên. Trọng tâm của hội rằm tháng Giêng là lễ cầu quốc thái dân an, ước nguyện được luôn an lành, khỏe mạnh, no đủ, thịnh vượng. Vì thế, trong ngày này có đông người đến chùa, lễ Phật. Nguyên tiêu nghĩa là đêm trăng đầy nhất của tháng đầu tiên trong năm. Đêm trăng sáng khởi đầu của một năm mới với hương khí tinh nguyên của tiết trời ấm lành, tràn đầy sức sống mùa xuân. Từ xưa, đã có rất nhiều văn nhân thi sĩ yêu trăng như Mãn Giác Thiền Sư, Trần Nhân Tông, Nguyễn Trãi, Lê Thánh Tông, Nguyễn Du, Cao Bá Quát… đều làm nhiều bài thơ hay về Nguyên tiêu. Ở thời cận đại, xuân Mậu Tý 1948, tại núi rừng chiến khu Việt Bắc, Bác Hồ kính yêu mặc dù rất bận việc quân, việc nước, nhưng trước xuân trăng dạt dào thi hứng, Người đã viết bài thơ Nguyên tiêu bằng chữ Hán:

Kim dạ nguyên tiêu nguyệt chính viên

          Xuân giang xuân thủy tiếp xuân thiên

         Yên ba thâm xứ đàm quân sự

         Dạ bán quy lai nguyệt mãn thuyền.

Bài thơ này được Xuân Thủy dịch:

          Rằm xuân lồng lộng trăng soi

          Sông xuân nước lẫn màu trời thêm xuân

          Giữa dòng bàn bạc việc quân

          Khuya về bát ngát trăng ngân đầy thuyền.

          Và từ đó bài thơ Nguyên tiêu của Bác Hồ được nhiều người yêu thích và đi vào văn học sử thơ ca Việt Nam. Đây là một trong những bài thơ hay nhất của thi ca Việt Nam viết về trăng xuân. Từ cảm xúc sâu sắc qua bài thơ Nguyên tiêu của nhà thơ Hồ Chí Minh đã khơi dậy những cảm xúc thi ca giàu triết lý nhân văn của một đất nước ngàn năm văn hiến “lắm anh hùng, nhiều nghệ sĩ”. Hình tượng đẹp nhất trong bài thơ này là phong thái của nhà thơ - nhà quân sự trước tạo vật. Đó chính là sức xuân của một hồn thơ chiến sĩ vĩ đại. Và một hồn thơ vĩ đại như thế đã tạo thêm sức xuân cho bài thơ bất hủ này. Với dân tộc ta, Nhân dân ta, thơ ca là một loại hình nghệ thuật không thể thiếu trong đời sống để ca ngợi quê hương, thể hiện tình yêu quê hương, đất nước, tình yêu lứa đôi. Đặc biệt là truyền thống đấu tranh và ca ngợi Đảng Cộng sản Việt Nam, Bác Hồ kính yêu, phản ảnh những ước vọng, những tâm tư suy nghĩ hoặc gửi gắm niềm tin của mỗi người vào công cuộc đổi mới xây dựng và bảo vệ Tổ quốc…

          Để đánh dấu cho nền thơ ca cách mạng Việt Nam trong đời sống văn hóa tinh thần dân tộc, Bộ văn hóa thể thao, Du lịch - Hội nhà văn Việt Nam đã quyết định chọn ngày rằm tháng Giêng tức tết Nguyên tiêu làm ngày Thơ Việt Nam. Mục đích nhằm tôn vinh một thể loại văn học đọc đáo, tôn vinh những người làm thơ đã góp phần làm thơ ca Việt Nam thăng hoa…

          Tại quận Bình Thạnh, tiếp tục đẩy mạnh thực hiện học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh và hướng đến kỷ niệm 45 năm thành lập quận Bình Thạnh (tháng 6/1976 - tháng 6/2021), để phù hợp với tình hình phòng chống dịch Covid-19, Câu lạc bộ Tiếng thơ Gia Định  - Trung tâm văn hóa quận Bình Thạnh phát động sáng tác trong các hội viên của CLB để chào mừng Tết Nguyên Tiêu ngày Thơ Việt Nam lần thứ 19 với chủ đề “Bình Thạnh - Đón chào ngày mới”.

Câu lạc bộ Tiếng thơ Gia Định trong buổi sinh hoạt thường kỳ. (Ảnh LT)
Câu lạc bộ Tiếng thơ Gia Định trong buổi sinh hoạt thường kỳ. (Ảnh LT)

Với chặng đường hơn 40 năm thành lập, CLB Tiếng thơ Gia Định là nơi giao lưu, gặp gỡ mỗi tháng của các hội viên và những người yêu thơ của CLB các quận, huyện trên địa bàn thành phố để chia sẻ những vần thơ hay và những chuyên đề về thơ. Đến nay, CLB đã cho ra mắt 5 tuyển tập phát hành nội bộ là các sáng tác của hội viên và thực hiện 3 kỳ giới thiệu tác giả - tác phẩm. Trong thời gian tới CLB Tiếng thơ Gia Định sẽ tiếp tục duy trì tốt hoạt động, làm điểm hẹn thân quen của hội viên CLB thơ các phường cũng như các tác giả yêu thơ để cùng sáng tác những vần thơ hay ca ngợi quê hương, đất nước nói chung và quận Bình Thạnh nói riêng như những bài thơ Đường luật dưới dây của tác giả Hùynh Ngọc Sơn (hội viên CLB Tiếng thơ Gia Định).

Mừng xuân mới


  • VĂN TIẾN ĐẠT

Mừng Tân Sửu, Đảng chín mốt xuân

Tiến đích phồn vinh xích lại gần

Nghị quyết từng trang ngời ý Đảng

Chương trình mọi mặt sáng lòng dân

Rừng vàng gió thuận, cây tăng lộc

Biển bạc triều êm, cá hợp quần

Hiện đại, văn minh, đường rộng mở

Kết đoàn vui đón Tết mừng xuân.

Tự khúc mùa xuân…


·        NHƯ Ý

Ta về tìm lại ngày xuân

Lặng nghe khúc hát từng bừng nét quê

Con đường xanh bóng đường về

Cánh hoa bung nở người quê vẫy chào.

 

Ta về tìm lại ca dao

Mẹ ngồi ru những ngọt ngào tháng năm

Khói chiều phía ấy xa xăm

Ngày về vấp phải lặng thầm mưa xuân.

 

Ta về nắng trải đầy sân

Tiếng chim ríu rít trong ngần sớm mai

Nụ cười má đỏ hây hây

Thẹn thùng em gái áo bay lưng trời.

 

Ta về nghe tiếng ru hời

Mùa xuân qua ngõ đầy vơi nỗi lòng

Một đời xuôi ngược long đong

Ngày xuân về lại bên dòng sông quê…

Hát cùng lính đảo


  • LÊ THANH SƠN

Bốn bề biển nước mênh mông

Đảo hiên ngang giữa bão giông sương mù

Lắng nghe biển hát lời ru

Nâng cao cảnh giác quân thù từ lâu

Tuần đêm sóng vỗ bạc đầu

Tưởng như biển đã nâng tàu lên mây

Bồng bềnh chắc súng trong tay

Tàu như gần với trăng đầy trong đêm

Ban ngày nắng cháy da thêm

Nghe tim buốt lạnh về đêm giấc nồng

Hậu phương xin gửi tấm lòng

Những người chiến sĩ giữ trông đảo nhà

Mặt trời đội biển vươn ra

Hào hùng lính đảo hát ca yêu đời

Vui xuân canh giữ biển trời

Đại dương với đảo muôn đời của ta!

Nhớ Tết quê nhà


  • NGUYỄN KHẮC THIỆU

Đi xa vẫn nhớ Tết năm nào

Giờ đón giao thừa đẹp biết bao

Dưa hấu - bánh chưng - câu đối đỏ

Hương hoa, ngũ quả, rượu hồng đào

Xứ người nhạt nhẽo mùa xuân đến

Đất nước lạnh lùng cánh thiệp trao

Mới biết quê hương là tất cả

Không tìm đâu được, nhớ làm sao!

Gửi anh


MỘNG TUYỀN

Gửi anh chút nắng nhà quê

Hong khô mái tóc lối về bình yên

Gửi anh ngày gió thật hiền

Hương xuân qua ngõ một miền ca dao.

 

Gửi anh quà bánh ngọt ngào

Đêm khuya mẹ gối dạt dào nhớ thương

Gửi anh hoa dại bên đường

Dịu dàng sắc thắm nương vườn trong xanh.

 

Gửi anh sóng nước yên lành

Tuổi thơ tắm mát mà thành quê hương

Gửi anh mùa những giọt sương

Xuân quê vẫy gọi về thương xóm làng…

Bài viết nổi bật

Dâng hương kỷ niệm 79 năm Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam

  Ngày 27/8/2024, Quận ủy, Ủy ban nhân dân, Ủy ban MTTQ Việt Nam quận tổ chức lễ dâng hương, đặt vòng hoa tưởng nhớ công lao các anh hùn...

Bài viết phổ biến