Hiển thị các bài đăng có nhãn Phòng chống dịch bệnh. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn Phòng chống dịch bệnh. Hiển thị tất cả bài đăng

Thứ Năm, 19 tháng 9, 2024

Tăng cường tạo miễn dịch cộng đồng phòng bệnh sởi

 Ngày 23/8/2024, Ủy ban nhân dân quận triển khai công văn thực hiện các biện pháp tăng cường tạo miễn dịch cộng đồng phòng bệnh sởi cho trẻ thuộc nhóm nguy cơ. 

Ủy ban nhân dân quận chỉ đạo các đơn vị tiếp tục thực hiện việc chủ động phòng, chống bệnh sởi năm 2024 thực hiện theo Thông tư số 38/2017/TT-BYT ngày 17/10/2017 của Bộ Y tế. Đồng thời, giao Phòng Y tế quận triển khai đến các cơ sở khám, chữa bệnh tư nhân trên địa bàn quận về công tác phòng, chống bệnh sởi. Trong quá trình thực hiện khám bệnh và điều trị cần khai thác tiền sử tiêm vắc xin phòng bệnh sởi của trẻ, ghi chép vào sổ hồ sơ bệnh án và tư vấn, hướng dẫn phụ huynh, người giám hộ đến các cơ sở tiêm chủng để được tiêm bù, tiêm bổ sung vắc xin phòng bệnh sởi. 

Đối với Trung tâm Y tế, Bệnh viện quận và các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trên địa bàn quận khi khám bệnh và điều trị cần khai thác tiền sử tiêm vắc xin phòng bệnh sởi của trẻ, ghi chép vào hồ sơ bệnh án và tư vấn, hướng dẫn phụ huynh, người giám hộ đưa trẻ đến các cơ sở tiêm chủng để được tiêm bù, tiêm bổ sung vắc xin phòng bệnh sởi. Đồng thời, lập danh sách trẻ bị bệnh mạn tính, bệnh nền đang được đơn vị quản lý và tư vấn tiêm chủng; tuân thủ nghiêm kiểm soát lây nhiễm trong bệnh viện. Đối với các trường hợp trẻ thuộc nhóm nguy cơ bị phơi nhiễm sởi trong thời gian nằm viện do có tiếp xúc với người mắc bệnh sởi cần điều trị dự phòng sau phơi nhiễm ngay bằng Immune Globulin. 

Phòng Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo Ban Giám hiệu các trường Mầm non, nhóm trẻ trên địa bàn lập danh sách tất cả các trẻ từ 1 đến 5 tuổi đang học tại trường và thu thập thông tin tiêm chủng, tổng hợp danh sách tiêm chủng của trẻ; Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội yêu cầu các cơ sở nuôi dưỡng trẻ thu thập và tổng hợp danh sách tiêm chủng của trẻ, gửi về Trạm Y tế phường trước ngày 10/9/2024. 

Đối với Ủy ban nhân dân các phường tiếp tục chỉ đạo các ban ngành, đoàn thể, cộng tác viên sức khỏe cộng đồng tăng cường vận động phụ huynh đưa các trẻ trong độ tuổi tiêm chủng nhưng chưa tiêm vắc xin phòng bệnh sởi hoặc tiêm chưa đủ mũi đến các điểm tiêm trên địa bàn để được tiêm bù, gồm cả trường hợp trẻ mắc bệnh mạn tính mà không có chống chỉ định tiêm vắc xin. Rà soát, lập danh sách và tiền sử tiêm văc xin có thành phần sởi, vắc xin bạch hầu - ho gà - uốn ván của tất cả các trẻ từ 1 đến 5 tuổi hiện sinh sống trên địa bàn, đặc biệt chú ý trẻ tại các mái ấm, cơ sở bảo trợ và gửi về Trạm Y tế phường để bảo đảm chiến dịch tiêm bổ sung vắc xin đạt hiệu quả.

 HOÀNG QUÂN

Tuyên truyền phòng, chống dịch bệnh

 Ngày 23/8/2024, Ủy ban nhân dân Phường 2 tổ chức hội nghị tuyên truyền phòng, chống bệnh sởi và sốt xuất huyết nhằm nâng cao ý thức của người dân. 

Tham dự có các đồng chí lãnh đạo Đảng ủy, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam, các đoàn thể, Nhân dân khu phố 9. 

Người dự được phổ biến các biện pháp phòng, chống bệnh sởi, sốt xuất huyết, cách loại bỏ nơi sinh sản của muỗi; vận động người dân giữ gìn vệ sinh môi trường và thực hiện tiêm vắc xin phòng bệnh sởi cho con em của mình. Đồng thời triển khai việc tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm các vi phạm để bảo đảm không phát sinh ổ dịch bệnh trên địa bàn phường.

 MẠNH HÙNG

Thứ Sáu, 30 tháng 8, 2024

Chủ động, tích cực phòng, chống sốt xuất huyết

    Ngày 07/8/2024, Ủy ban nhân dân quận triển khai văn bản chỉ đạo việc chủ động, tích cực phòng, chống sốt xuất huyết.

    Nhằm chủ động triển khai các biện pháp phòng chống dịch, không để dịch bệnh bùng phát lan rộng, UBND quận chỉ đạo các phòng ban, đơn vị, đoàn thể quận và đề nghị Ủy ban MTTQ quận cần phối hợp với ngành y tế trong tuyên truyền và vận động người dân thực hiện phòng, chống dịch bệnh sốt xuất huyết. Đưa nội dung phòng, chống dịch bệnh vào nội dung sinh hoạt định kỳ của cơ quan, đơn vị. Tổ chức thực hiện tổng vệ sinh triệt nơi sinh sản của muỗi ngay tại cơ quan, đơn vị.

    Đối với ngành y tế quận cần chủ động phối hợp với các đơn vị kiểm tra, giám sát chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh sốt xuất huyết tại các khu vực nguy cơ phát sinh dịch bệnh; đặc biệt tại các công trình xây dựng, trường học, nhà trọ, chùa, công viên, các cơ sở giáo dục… trên địa bàn quận. Đồng thời, triển khai đến các cơ sở khám, chữa bệnh tư nhân trên địa bàn quận về công tác phòng, chống bệnh sốt xuất huyết. Điều tra, xử lý các trường hợp mắc bệnh, ổ dịch sốt xuất huyết kịp thời và đúng quy định. Cần rà soát, phân loại các điểm nguy cơ gây dịch sốt xuất huyết theo hướng dẫn của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố. Riêng đối với Bệnh viện quận và các cơ sở khám, chữa bệnh trên địa bàn quận cần thực hiện nghiêm việc kiểm soát nhiễm khuẩn, nâng cao năng lực chẩn đoán, điều trị; đảm bảo hậu cần, thuốc, vắc xin, sinh phẩm, vật tư, hóa chất, trang thiết bị, nhân lực sẵn sàng phục vụ công tác phòng, chống dịch sốt xuất huyết.

    Phòng Tài nguyên - Môi trường cần tăng cường kiểm tra, giám sát điều kiện vệ sinh môi trường tại các điểm hẹn chất thải rắn, công trình đang xây dựng, khu đất dự án, khu đất trống, công viên, nơi  công cộng… không để các điểm tù đọng phát sinh lăng quăng, muỗi theo hướng dẫn của ngành y tế.

    Đối với Phòng Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo các trường học tổ chức tổng vệ sinh diệt lăng quăng hàng tuần, vệ sinh trường lớp, đảm bảo các lớp sạch, thoáng mát. Đưa nội dung phòng, chống dịch bệnh sốt xuất huyết vào chương trình sinh hoạt của các trường học nhằm xây dựng ý thức tự giác phòng bệnh cho các em học sinh, qua đó truyền thông đến phụ huynh học sinh.

    Tại các UBND phường cần tổ chức thực hiện tổng vệ sinh loại bỏ nơi sinh sản của muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết; vận động người dân thu gom và tiêu hủy các vật dụng phế thải có thể chứa nước, lật úp các vật dụng không chứa nước. Tăng cường công tác tuyên truyền bằng nhiều hình thức về các biện pháp diệt lăng quăng, bọ gậy, nằm màn, chống muỗi đốt để người dân chủ động tham gia thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh tại gia đình và cộng đồng; phối hợp cơ quan y tế trong việc phun hóa chất diệt muỗi. Xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân cố tình không thực hiện các biện pháp phòng bệnh.

H. QUÂN

Thứ Tư, 19 tháng 6, 2024

Phát động chiến dịch hưởng ứng "Ngày ASEAN phòng, chống sốt xuất huyết"

 Ngày 25/5/2024, Ban chỉ đạo Chăm sóc sức khỏe nhân dân quận tổ chức lễ phát động chiến dịch hưởng ứng ‘‘Ngày ASEAN phòng, chống sốt xuất huyết’’ lần thứ 14 năm 2024. 

Tham dự có các đồng chí Vũ Quỳnh Hoa, Phó Trưởng Phòng nghiệp vụ, Sở Y tế; Đặng Văn Tài, Phó trưởng Khoa Truyền thông - Giáo dục sức khỏe, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TPHCM; Thái Thị Hồng Nga, UVBTV Quận ủy, Phó Chủ tịch UBND quận, Trưởng Ban chỉ đạo Chăm sóc sức khỏe nhân dân quận; Lê Thị Hòa Bình, Trưởng Phòng Y tế; Nguyễn Hoàng Thiện Tâm, Giám đốc Trung tâm Y tế quận; thành viên Ban Chăm sóc sức khỏe nhân dân quận, phường; thành viên Tổ kiểm tra phòng, chống dịch bệnh quận, phường; Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam, Hội LHPN, Hội Chữ thập đỏ, Đoàn TNCS HCM quận, phường; Ban giám hiệu các trường từ Mầm non đến THPT; lãnh đạo UBND, Trạm y tế 20 phường và Nhân dân trên địa bàn Phường 12, 13.

Đồng chí Thái Thị Hồng Nga phát động hưởng ứng  “Ngày ASEAN phòng, chống sốt xuất huyết”. (Ảnh: MH)
Đồng chí Thái Thị Hồng Nga phát động hưởng ứng “Ngày ASEAN phòng, chống sốt xuất huyết”. (Ảnh: MH)

 Phát biểu tại lễ phát động chiến dịch hưởng ứng ‘‘Ngày ASEAN phòng, chống sốt xuất huyết’’ đồng chí Trưởng Ban chỉ đạo Chăm sóc sức khỏe nhân dân quận đề nghị các ban ngành, đoàn thể, UBND các phường, Nhân dân trên địa bàn quận cùng tích cực chủ động thực hiện các biện pháp loại bỏ nơi sinh sản của muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết tại chính nơi ở, nơi làm việc của mình. Mỗi người dân, mỗi hộ gia đình, mỗi cơ quan, đơn vị trong quận hãy dành từ 10 đến 15 phút muỗi tuần để dọn dẹp nơi mình làm việc, sinh sống, nhằm loại bỏ nơi sinh sản của muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết. Bên cạnh đó, cần lồng ghép hoạt động phòng, chống bệnh sốt xuất huyết vào kế hoạch của đơn vị; thường xuyên tổ chức vệ sinh môi trường, trệt nơi sinh sản của muỗi. Song song đó, Ban chỉ đạo Chăm sóc sức khỏe nhân dân quận, phường cần tăng cường công tác kiểm tra, giám sát hoạt động phòng, chống sốt xuất huyết tại địa phương, phát hiện và xử lý triệt để các ổ dịch, không để bùng phát, lan rộng, kéo dài. Đồng thời, huy động mọi nguồn lực tham gia kiểm soát và xử lý hiệu quả các điểm nguy cơ phát sinh muỗi và lăng quăng. 

Tại buổi lễ, Quận Đoàn, UBND Phường 12 phát biểu hưởng ứng tuyên truyền trên không gian mạng về cách phòng, chống bùng phát ổ dịch sốt xuất huyết và phát động ra quân diệt lăng quăng, tổng vệ sinh môi trường trên địa bàn phường… 

Ngay sau buổi lễ, Trung tâm Văn hóa, Trung tâm Y tế, Hội Chữ thập đỏ quận và các UBND phường diễu hành xe hoa tuyên truyền các biện pháp phòng bệnh Sốt xuất huyết trên các tuyến đường chính của quận.

 HOÀNG QUÂN

Diễu hành xe hoa tuyên truyền các biện pháp phòng bệnh  sốt xuất huyết, trên các tuyến đường chính của quận. (Ảnh: MH)
Diễu hành xe hoa tuyên truyền các biện pháp phòng bệnh sốt xuất huyết,
trên các tuyến đường chính của quận.
(Ảnh: MH)

Ra mắt đội chuyên trách bắt chó thả rông

  Ngày 06/5/2024, UBND Phường 2 ra mắt đội chuyên trách bắt chó thả rông và động vật mắc bệnh dại.

 Đội chuyên trách gồm 14 thành viên, trong đó đồng chí Đàm Nhật Quang, Phó Chủ tịch UBND Phường 2 là đội trưởng. Đội có chức năng xử lý chó thả rông gây ảnh hưởng vệ sinh môi trường, sức khỏe người dân trong khu dân cư. Đồng thời, tuyên truyền đến người dân những quy định của pháp luật về các hành vi: không tiêm phòng vắc xin bệnh dại cho động vật; không đeo rọ mõm cho chó hoặc không xích giữ chó, không có người chăn dắt chó ra nơi công cộng… 

Qua đó, xử lý kịp thời các trường hợp chó thả rông gây ảnh hưởng an ninh trật tự, vệ sinh môi trường và sức khỏe người dân trong khu dân cư. 

VINH BÙI

Sàng lọc miễn phí bệnh lý tuyến vú, tuyến giáp

  Ngày 11/5/2024, Công đoàn cơ quan UBND Phường 22 phối hợp Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec tổ chức chương trình sàng lọc miễn phí bệnh lý tuyến vú, tuyến giáp cho 40 đoàn viên, người lao động.

 Đây là hoạt động thiết thực nhằm giúp các đoàn viên, người lao động quan tâm hơn đến sức khỏe của mình, chủ động khám bệnh định kỳ về tuyến giáp, tuyến vú để phòng chống ung thư kịp thời. 

 Thay mặt lãnh đạo phường, đồng chí Lê Văn Quang, Chủ tịch UBND phường trao bó hoa thay lời cám ơn đến Ban Giám đốc, bác sĩ, nhân viên bệnh viện Vinmec. Trong thời gian tới, Ban chấp hành công đoàn phường sẽ tiếp tục cùng với thủ trưởng đơn vị quan tâm, tổ chức nhiều hoạt động chăm lo sức khỏe cho đoàn viên, người lao động.

 T. LINH

Phòng, chống bệnh sốt xuất huyết, tay chân miệng

 Ngày 23/5/2024, Ủy ban MTTQ Việt Nam Phường 26 phối hợp Trạm Y tế phường tổ chức hội nghị tuyên truyền phòng chống bệnh sốt xuất huyết, tay chân miệng. Tọa đàm “Nâng cao ý thức tự giác của người dân trong việc phòng chống bệnh sốt xuất huyết và tay chân miệng” cho người dân trên địa bàn khu phố 10, 11, 15.

Có trên 30 người được tuyên truyền các đặc điểm của muỗi vằn; dấu hiệu nhận biết của bệnh sốt xuất huyết; cách phòng ngừa bệnh; những điều lưu ý khi phòng ngừa bệnh sốt xuất huyết cũng như bệnh tay chân miệng… 

Qua đó, giúp cho người dân nâng cao ý thức, trách nhiệm trong việc phòng tránh bệnh sốt xuất huyết và tay chân miệng, đồng thời đề nghị các hộ gia đình duy trì thời gian những ngày cuối tuần thực hiện dọn dẹp vệ sinh và diệt lăng quăng xung quanh nhà góp phần bảo vệ sức khỏe cho bản thân, gia đình và cộng đồng dân cư.

 THẢO VY

Quang cảnh buổi tập huấn phòng chống bệnh. (Ảnh: TV)
Quang cảnh buổi tập huấn phòng chống bệnh. (Ảnh: TV)

Thứ Bảy, 18 tháng 5, 2024

Phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm năm 2024

  Ngày 23/4/2024, UBND quận triển khai kế hoạch phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm năm 2024.

 Theo đó, Ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh các cấp cần giám sát, phát hiện sớm ca bệnh, ổ dịch để kịp thời kiểm soát lây lan trong cộng đồng; tổ chức tiêm chủng theo đúng hướng dẫn, quy định của Bộ Y tế; đạt tỷ lệ bao phủ vắc xin theo kế hoạch chung của cả nước; ứng dụng công nghệ thông tin để nâng cao chất lượng công tác phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm. Bên cạnh đó, đảm bảo chất lượng điều trị và chăm sóc người bệnh; truyền thông, giáo dục sức khỏe đối với tất cả bệnh nhân để nâng cao nhận thức phòng bệnh cho cộng đồng, giáo dục về các biện pháp phòng ngừa các dịch bệnh nguy hiểm, dịch bệnh có nguy cơ thâm nhập. Phổ biến kiến thức về tiêm chủng mở rộng và lợi ích tiêm chủng để vận động người dân chủ động thực hiện tiêm chủng đầy đủ, đúng lịch. Đồng thời hướng dẫn người dân thực hiện đầy đủ các khuyến cáo phòng, chống dịch trong tình hình mới. 

Qua đó, nhằm giảm tối đa tỷ lệ mắc và tử vong do các bệnh truyền nhiễm; đảm bảo kiểm soát, khống chế kịp thời, hiệu quả, bền vững các bệnh truyền nhiễm, hạn chế tối đa nguy cơ dịch bệnh bùng phát và chủ động, chuẩn bị ứng phó với các đại dịch hoặc các tình huống khẩn cấp về dịch bệnh trong tương lai, góp phần bảo vệ, chăm sóc, nâng cao sức khỏe Nhân dân và phát triển kinh tế - xã hội. 

MINH HOÀNG

Thứ Tư, 20 tháng 3, 2024

Quản lý điều trị và chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi

^Ngày 06/3/2024, UBND quận triển khai kế hoạch quản lý điều trị và chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi mắc các bệnh không lây nhiễm năm 2024 - 2025.

Đối tượng là người cao tuổi mắc bệnh, nghi ngờ mắc bệnh, có nguy cơ cao mắc các bệnh không lây nhiễm trên địa bàn quận. Thời gian thực hiện từ năm 2024 đến 2025.

Trạm y tế các phường lập hồ sơ theo dõi, tái khám định kỳ 1 năm/lần cho người cao tuổi: thừa cân, béo phì, người tiền bệnh, người có nguy cơ cao mắc bệnh không lây nhiễm và một số rối loạn sức khỏe tâm thần. Đối với trường hợp nghi ngờ mắc bệnh, trong vòng 1 tháng sau khi khám sức khỏe, hẹn người cao tuổi đến Trạm Y tế để thực hiện chẩn đoán xác định bệnh, chuyển tuyến trong trường hợp vượt khả năng chuyên môn của đơn vị. Đối với trường hợp mắc bệnh, điều trị theo hướng dẫn chẩn đoán điều trị tại Trạm Y tế, chuyển tuyến điều trị trong trường hợp vượt khả năng chuyên môn của đơn vị hoặc người bệnh không đồng ý điều trị tại Trạm Y tế. Đồng thời thực hiện chẩn đoán, điều trị đối với các bệnh tăng huyết áp, đái tháo đường típ 2, hen phế quản, bệnh phổi tăc nghẽn mạn tính và một số rối loạn sức khỏe tâm thần. Đối với người bệnh nghi ngờ mắc bệnh ung thư, cần chuyển đến cơ sở y tế có chuyên ngành ung bướu để chẩn đoán xác định bệnh. Đối với người suy yếu, sa sút trí tuệ nặng có nguy cơ té ngã, cần thực hiện vật lý trị liệu, phục hồi chức năng tại Trạm Y tê và chăm sóc tại nhà cho người bệnh. Bên cạnh đó, hướng dẫn, tư vấn cho người bệnh và gia đình người bệnh để thay đổi hành vi, lối sống, tuân thủ điều trị, thực hiện dinh dưỡng hợp lý, chăm sóc, phục hồi chức năng, định kỳ tái khám bệnh theo hướng dẫn của cơ sở y tế.

Đối với các cơ sở y tế tuyến trên, sau khi tiếp nhận người cao tuổi do Trạm Y tế giới thiệu, Bệnh viện quận, cơ sở y tế tuyến trên phản hồi thông tin về kêt quả chẩn đoán, điều trị bệnh của người cao tuổi về Trung tâm Y tế quận; Trung tâm Y tế quận phản hồi thông tin về Trạm Y tế đe cập nhật danh sách quản lý. Thực hiện chẩn đoán, điều trị đối với các bệnh tăng huyết áp, đái tháo đường típ 2, hen phế quản, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính và một số rối loạn sức khỏe tâm thần. Đối với người bệnh ung thư: tư vấn cho người bệnh và người nhà; triển khai thực hiện kê đơn thuốc chăm sóc giảm nhẹ cho bệnh nhân ung thư giai đoạn cuối theo chỉ định của bệnh viện tuyến trên. Thực hiện kê đơn dinh dưỡng, hoạt động thể lực, tư vấn tâm lý, thay đổi lối sống cho người mắc bệnh không lây nhiễm nhằm hỗ trợ kiểm soát bệnh và biến chứng của bệnh.

Đối với các Bệnh viện đa khoa, Bệnh viện chuyên khoa cân tăng cường năng lực khám chữa bệnh cho Phòng khám lão khoa, khoa lão, khu giường điều trị người bệnh là người cao tuổi. Tổ chức chẩn đoán, chăm sóc, điều trị chuyên sâu các rối loạn sức khỏe tâm thân, phục hồi chức năng cho người có nguy cơ té ngã. Chuyển người bệnh về Trạm Y tế để tiếp tục quản lý, theo dõi, điều trị sau khi đã được chẩn đoán, điều trị qua giai đoạn cấp cứu hoặc xác định tình trạng bệnh đã thuyên giảm.

HOÀNG QUÂN

Chuyên đề phòng chống các bệnh viêm đường hô hấp

^Ngày 02/3/2024, Hội LHPN quận tổ chức sinh hoạt Câu lạc bộ Đồng Cảm quý I/2024.

Đợt này, các thành viên câu lạc bộ được nghe chuyên đề “Phòng, chống các bệnh viêm đường hô hấp cấp”. Qua đó, giúp các chị quan tâm đến sức khỏe, phòng ngừa các bệnh lao, viêm phổi, viêm phế quản, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính...

 M. NGUYỆT

Thứ Bảy, 10 tháng 2, 2024

Tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh mùa Đông Xuân

  Ngày 10/01/2024, UBND quận triển khai các giải pháp tăng cường phòng, chống dịch bệnh mùa Đông Xuân. 

UBND quận giao ngành y tế quận tham mưu các giải pháp phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm; phòng, chống dịch bệnh mùa Đông Xuân, đồng thời tổ chức các đoàn kiểm tra công tác phòng, chống dịch tại các cơ quan, đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp, nhất là tại các cơ sở sản xuất, chợ, siêu thị, bến xe... trên địa bàn quận. Trung tâm Y tế quận cần thực hiện tốt chương trình tiêm chủng mở rộng; giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh, theo dõi sự gia tăng các trường hợp mắc bệnh lây qua đường hô hấp, các trường hợp viêm phổi nặng do vi rút; chuẩn bị sẵn sàng các phương án đảm bảo công tác y tế với mọi tình huống có thể xảy ra của dịch bệnh; đảm bảo hậu cần, kinh phí, thuốc, vắc xin, sinh phẩm, vật tư, hóa chất, trang thiết bị, nhân lực để sẵn sàng phục vụ công tác phòng, chống dịch bệnh theo phương châm 4 tại chỗ. Riêng Bệnh viện quận chuẩn bị sẵn sàng các phương án thu dung, điều trị bệnh nhân, nhất là các bệnh lây qua đường hô hấp. Thực hiện nghiêm việc kiểm soát nhiễm khuẩn tại đơn vị. 

Tại các trường học triển khai hiệu quả các hoạt động vệ sinh phòng bệnh, đảm bảo an toàn thực phẩm, cung cấp đủ nước uống, nước sạch và thường xuyên vệ sinh môi trường; truyền thông đến giáo viên, nhân viên, phụ huynh học sinh các hướng dẫn của ngành y tế về công tác phòng, chống bệnh mùa Đông Xuân, các bệnh lây qua đường hô hấp. 

Ủy ban MTTQ Việt Nam và các đoàn thể từ quận đến cơ sở, các UBND phường cần tiếp tục đẩy mạnh hoạt động truyền thông về phòng, chống dịch bệnh mùa Đông Xuân, nhất là các bệnh lây truyền qua đường hô hấp; khuyến cáo, hướng dẫn người dân chủ động thực hiện các biện pháp phòng bệnh cá nhân và thay đổi hành vi để nâng cao sức khỏe. Riêng các UBND phường cần chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng thường xuyên kiểm tra công tác phòng chống dịch tại các cơ quan, đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp, nhất là tại cơ sở sản xuất, chợ, siêu thị, bến xe...trên địa bàn. Song song đó, đẩy mạnh các hoạt động phòng chống sốt xuất huyết, tiếp tục triển khai chiến dịch diệt muỗi, diệt lăng quăng trên địa bàn nguy cơ cao, đặc biệt tại các công trường xây dựng, nhà trọ.

 HOÀNG QUÂN

Thứ Sáu, 19 tháng 1, 2024

Kiểm soát, quản lý bền vững dịch bệnh Covid-19 giai đoạn 2023 - 2025

  Ngày 29/12/2023, UBND quận triển khai các biện pháp kiểm soát, quản lý bền vững dịch bệnh Covid-19 giai đoạn 2023 - 2025. 

UBND quận chỉ đạo ngành y tế tăng cường các hoạt động phòng, chống dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn, phù hợp với tình hình dịch bệnh. Đồng thời phối hợp với các đơn vị chức năng xây dựng phương án đảm bảo công tác y tế trong tình huống dịch bệnh Covid-19 có biến chủng mới nguy hiểm, bùng phát mạnh trên diện rộng. Đảm bảo đủ thuốc, vật tư tiêu hao, hóa chất, sinh phẩm, vật tư, trang thiết bị phù hợp với tình hình dịch... Bên cạnh đó, Bệnh viện quận theo dõi, chẩn đoán, phát hiện những trường hợp mắc Covid-19, đặc biệt lưu ý những người thuộc nhóm nguy cơ cao để có chế độ chăm sóc, điều trị phù hợp, nhằm giảm thiểu nguy cơ tử vong. 

Theo đó, UBND quận đề ra các giải pháp: rà soát, kiện toàn ban chỉ đạo phòng chống dịch các cấp, phát huy vai trò, trách nhiệm của từng ngành, đoàn thể trong công tác phòng, chống dịch cho cộng đồng và ngay trong phạm vi của mỗi ban ngành đoàn thể; quản lý danh sách, cập nhật đầy đủ thông tin người thuộc nhóm nguy cơ và người sống chung với gia đình; lồng ghép việc tiêm vắc xin Covid-19 vào hoạt động tiêm chủng chiến dịch phù hợp với tình hình thực tế. Đồng thời, khuyến khích thực hiện 2K (khẩu trang, khử khuẩn), thường xuyên rửa tay bằng nước sạch và xà phòng, định kỳ vệ sinh bề mặt nơi ở, sinh hoạt, làm việc, tăng cường không khí. Khuyến cáo người nghi mắc bệnh và mắc bệnh nhẹ hạn chế tiếp xúc với người khác, tự cách ly. Bên cạnh đó, tiếp tục đẩy mạnh công tác truyền thông chính xác trên nhiều phương tiện; nguy cơ và các biện pháp phòng, chống dịch bệnh để người dân hiểu và tự phòng bệnh; tiêm vắc xin Covid-19 đầy đủ theo hướng dẫn của Bộ Y tế. 

Qua đó, đảm bảo kiểm soát hiệu quả, bền vững dịch Covid-19, bảo vệ tối đa sức khỏe của người dân, góp phần phát triển kinh tế - xã hội.

 HOÀNG QUÂN

Chủ Nhật, 31 tháng 12, 2023

Chỉ đạo các giải pháp phòng, chống bệnh dịch tả heo Châu Phi

  Ngày 11/12/2023, UBND quận triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phòng, chống bệnh dịch tả heo Châu Phi. 

UBND quận chỉ đạo các cơ quan, đơn vị chuyên môn tập trung vận động các chủ cơ sở kinh doanh cam kết không kinh doanh thịt heo, phụ phẩm và sản phẩm từ thịt heo không rõ nguồn gốc, chưa qua kiểm dịch của cơ quan thú y, đồng thời xử lý các trường hợp vi phạm có liên quan. Thường xuyên theo dõi và nhắc nhở Ban quản lý các chợ tăng cường kiểm tra, tuyên truyền, vận động người kinh doanh trong khu vực chợ không kinh doanh heo, thịt và sản phẩm từ heo không rõ nguồn gốc, xuất xứ, không qua kiểm dịch của cơ quan thú y. Chủ động phối hợp các cơ quan, đơn vị có liên quan xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. 

Riêng đối với Trạm Chăn nuôi và Thú y liên quận Phú Nhuận, Bình Thạnh cần thường xuyên cập nhật, thông tin kịp thời diễn biến tình hình dịch bệnh cho các đơn vị có liên quan và các UBND phường để phối hợp triển khai thực hiện các biện pháp phòng, chống vi phạm như nêu trên đạt hiệu quả. Đồng thời phối hợp các đơn vị chức năng kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp. Thường xuyên tổ chức thực hiện vệ sinh, khử trùng tiêu độc tại các chợ, các khu vực kinh doanh và phương tiện vận chuyển gia súc.

 Bên cạnh đó, các lực lượng chức năng cần thành lập các đoàn kiểm tra liên ngành an toàn thực phẩm, tăng cường kiểm tra các chợ, điểm kinh doanh thịt và sản phẩm từ heo, các nhà hàng, quán ăn, cơ sở sản xuất chế biến kinh doanh thịt và sản phẩm từ heo; kiểm tra, xử lý các trường hợp vi phạm. Tăng cường đấu tranh phòng, chống và xử lý nghiêm các tội phạm về buôn lậu, kinh doanh, vận chuyển, tiêu thụ heo, thịt và sản phẩm từ heo không rõ nguồn gốc, xuất xứ, không qua kiểm dịch của cơ quan thú y, không đảm bảo an toàn thực phẩm. 

HOÀNG QUÂN

Hưởng ứng Tháng hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS

  Hưởng ứng Tháng hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS năm 2023 (từ ngày 10/11 - 10/12), ngày 15/12/2023, Hội LHPN quận phối hợp Trung tâm công tác xã hội Ánh Dương tổ chức tuyên truyền phòng, chống HIV/AIDS.

Có trên 180 đoàn viên thanh niên, nhân viên phục vụ các quán ăn, nhà hàng và các nhà trọ sinh viên trên địa bàn các Phường 5, 11, 12, 13, 14, 17, 19, 21, 27, 28 tham dự. 

Người dự được tuyên truyền các bệnh lây truyền qua đường tình dục và cách phòng chống, đồng thời còn được tư vấn xét nghiệm HIV/AIDS miễn phí.

Quang cảnh tuyên truyền phòng, chống HIV/AIDS  cho đoàn viên thanh niên, nhân viên phục vụ quán ăn,  nhà hàng, nhà trọ. (Ảnh: M. Nguyệt)
Quang cảnh tuyên truyền phòng, chống HIV/AIDS cho đoàn viên thanh niên, nhân viên
phục vụ quán ăn, nhà hàng, nhà trọ.
(Ảnh: M. Nguyệt)

• Ngày 16/12/2023, Hội LHPN Phường 14 phối hợp Trung tâm công tác xã hội Ánh Dương tổ chức tuyên truyền phòng phòng, chống HIV/AIDS.

 Có trên 60 người là thành viên các loại hình tập hợp, cán bộ, hội viên được báo cáo viên chia sẻ kiến thức về các đường lây truyền, điều trị dự phòng trước phơi nhiễm với HIV; giới thiệu thông tin về các tổ chức cộng đồng hoạt động trong lĩnh vực phòng chống HIV và các bệnh lây truyền qua đường tình dục… Dịp này, tổ chức tư vấn, xét nghiệm miễn phí cho 25 trường hợp là thanh niên, nhân viên các cơ sở kinh doanh trên địa bàn phường. 

Mục đích nhằm cung cấp kiến thức cho người dự về sức khỏe sinh sản, tình dục an toàn, kiến thức về HIV, điều trị dự phòng trước và sau phơi nhiễm.

 M. NGUYỆT - AH

Báo cáo viên tuyên truyền phòng, chống HIV/AIDS  và xét nghiệm miễn phí. (Ảnh: AH)
Báo cáo viên tuyên truyền phòng, chống HIV/AIDS và xét nghiệm miễn phí. (Ảnh: AH) 

Thứ Bảy, 30 tháng 12, 2023

Quận Bình Thạnh làm tốt công tác phòng, chống HIV/AIDS

 HƯỞNG ỨNG NGÀY THẾ GIỚI PHÒNG, CHỐNG HIV-AIDS (01/12)

• HOÀNG QUÂN

Trước mối hiểm họa từ đại dịch HIV/AIDS gây ra, ngày 01/12/1988, hội nghị Bộ trưởng Y tế toàn cầu về các chương trình phòng chống AIDS quyết định chọn ngày 01/12 hằng năm làm “Ngày thế giới phòng chống HIV/AIDS”. Kể từ đó, ngày này được các chính phủ, các tổ chức và hội từ thiện quốc tế lấy làm ngày chính thức trong năm để tiến hành các hoạt động tuyên truyền, tổng kết về công tác phòng chống HIV/AIDS trong cộng đồng. 

Cuộc chiến chống HIV/AIDS không chỉ là cuộc chiến của riêng cá nhân mà còn là cuộc chiến của cộng đồng. Những năm qua, bên cạnh chương trình phát triển kinh tế - xã hội, các cấp ủy đảng, chính quyền quận Bình Thạnh luôn quan tâm đến công tác phòng chống HIV/AIDS bằng việc tập trung triển khai các hoạt động phòng chống HIV/ AIDS trên địa bàn, góp phần hoàn thành mục tiêu về chăm sóc sức khỏe cho Nhân dân.

 Công tác truyền thông phòng, chống HIV/AIDS được các ban, ngành đoàn thể từ quận đến phường thực hiện thông qua nhiều hình thức đa dạng, phong phú góp phần nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi của đoàn viên, hội viên, học sinh, sinh viên và cộng đồng dân cư về công tác phòng, chống HIV/ AIDS. Qua đó, làm giảm sự phân biệt kỳ thị của cộng đồng đối với người nhiễm và ảnh hưởng bởi HIV/AIDS; hỗ trợ và chăm lo về tinh thần, vật chất cho người nhiễm HIV và những người hồi gia tái hòa nhập cộng đồng giúp họ nâng cao sức khỏe và ổn định cuộc sống. 

Truyền thông phòng, chống HIV/AIDS tại Phường 24.  (Ảnh: TC)
Truyền thông phòng, chống HIV/AIDS tại Phường 24. (Ảnh: TC) 

Trong năm 2023, Trung tâm Y tế quận thực hiện quản lý, chăm sóc, hỗ trợ cho 2.223 người nhiễm HIV/AIDS, trong đó có 1.739 người cư trú tại quận Bình Thạnh. Tham vấn kiến thức kỹ năng tự chăm sóc và chăm sóc người nhiễm HIV và giảm kỳ thị, phân biệt đối xử trong cộng đồng; hỗ trợ về tâm lý, xã hội và giới thiệu các nhóm sinh hoạt để sống khỏe mạnh, tích cực. Bên cạnh đó, duy trì ARV cho 2.155/2.223 bệnh nhân tại Trạm y tế phường, đạt 96,9%. Qua đó, góp phần tạo điều kiện thuận lợi cho bệnh nhân trong việc tuân thủ điều trị, giảm bớt đi lại và phải chờ khám bệnh tại phòng khám OPC. 

Bên cạnh đó, thực hiện lồng ghép các dự án với tất cả các dịch vụ y tế, về dự phòng, chăm sóc điều trị và các dịch vụ hỗ trợ khác. Đồng thời cung cấp 6.130 bơm kim tiêm sạch cho đối tượng tiêm chích ma túy và thu hồi bơm kim tiêm bẩn, cấp 14.821 bao cao su cho người dân, góp phần tích cực vào việc kiềm chế tốc độ gia tăng HIV. 

Ngoài ra Trung tâm Y yế và Trạm Y tế phường thực hiện tốt chương trình dự phòng lây nhiễm từ mẹ sang con, tư vấn và xét nghiệm cho gần 1.000 thai phụ. Để hưởng ứng Tháng cao điểm dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con, đã tổ chức được 40 buổi truyền thông với 1.570 người dự nói về tăng cường các hoạt động dự phòng sớm để phòng tránh lây nhiễm HIV từ mẹ sang con và điều trị dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con bằng thuốc ARV. 

Từ những nỗ lực trong công tác phòng, chống HIV/AIDS, năm 2023 quận Bình Thạnh đã đạt được mục tiêu, chỉ tiêu cơ bản: khống chế tỷ lệ lây nhiễm HIV/AIDS (tỷ lệ 0,02%). Có 100% bệnh nhân mới phát hiện lao được tư vấn và xét nghiệm HIV, 100% phụ nữ mang thai nhiễm HIV được tiếp cận chương trình dự phòng lây truyền HIV, 20/20 Trạm Y tế phường tham gia triển khai duy trì điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng Methadone cho 390 bệnh nhân. Qua đó, góp phần giảm tỷ lệ lây nhiễm HIV trong cộng đồng, đặc biệt góp phần ổn định, giữ vững an ninh trật tự và kéo giảm tội phạm hình sự trên địa bàn quận.■

Thứ Tư, 20 tháng 12, 2023

Tuổi trẻ chung tay phòng, chống HIV/AIDS

Ngày 01/12/2023, Đoàn TNCS Hồ Chí Minh Phường 17, Phường 22 phối hợp tổ chức tuyên truyền với chủ đề “Tuổi trẻ Phường 17, 22 chung tay phòng, chống HIV/AIDS” và quầy “Tư vấn, chăm sóc sức khỏe” cho đoàn viên thanh niên.


Có 50 đoàn viên của 2 phường được hướng dẫn những kiến thức cơ bản về đường lây truyền, các biện pháp phòng tránh lây nhiễm HIV/AIDS; cách xử lý các tình huống cụ thể liên quan đến HIV/AIDS trong thực tế cuộc sống; chương trình can thiệp giảm tác hại; chống kỳ thị và phân biệt đối xử với người nhiễm HIV/AIDS; phổ biến các văn bản quy phạm pháp luật về phòng, chống HIV/AIDS… Đồng thời, các bạn được tư vấn, chăm sóc sức khỏe miễn phí.

Qua đó góp phần giáo dục, nâng cao nhận thức cho đoàn viên thanh niên trong việc chủ động phòng tránh căn bệnh thế kỷ HIV/AIDS.

Cùng ngày 01/12/2023, Hội Chữ thập đỏ Phường 22 phối hợp Trạm Y tế phường tổ chức tuyên truyền phòng chống HIV/AIDS cho trên 60 cán bộ, hội viên, tình nguyện viên và đoàn viên thanh niên. 

ANH QUÂN - LIỄU TRƯƠNG

Thứ Tư, 15 tháng 11, 2023

Hưởng ứng Ngày rửa tay thế giới: Những lợi ích từ việc rửa tay bằng xà phòng

 Trước tình hình bệnh truyền nhiễm gia tăng, khuẩn kháng thuốc kháng sinh trỗi dậy, việc phòng chống bệnh tật trở nên vô cùng quan trọng. Trong đó, thường xuyên rửa tay bằng xà phòng là biện pháp đơn giản nhưng vô cùng hữu hiệu… 

Thế nào là rửa tay đúng cách?

 Sau khi thoa xà phòng, hai tay cọ xát vào nhau ít nhất 15 giây, sau đó rửa sạch dưới vòi nước. Khi rửa, tập trung vào lòng, mu, kẽ và cả đầu ngón tay, cụ thể theo các bước sau: 

- Làm ướt tay bằng cách giữ chúng dưới vòi nước trong vài giây. 

- Chà xà phòng khắp lòng và mu bàn tay. 

- Khi đủ bọt, hãy cọ xát lòng bàn tay lại với nhau. 

- Chà lòng bàn tay vào mặt trong và ngoài với bàn tay kia và đan xen vào các kẽ, lặp đi lặp lại nhiều lần. 

- Chà xát lòng bàn tay và các ngón tay với nhau, cả mặt trước, mặt sau và ngược lại. 

- Dùng bàn tay rửa các ngón của bàn tay kia nhiều lần và ngược lại, theo chuyển động tròn, làm điều này ở cả hai tay. 

- Rửa sạch cả hai tay bằng nước, sau đó lau khô tay bằng khăn giấy và tiếp tục sử dụng khăn này để tắt vòi nước. Lợi ích thiết thực của rửa tay thường xuyên bằng xà phòng. 

- Giúp phòng ngừa tiêu chảy và các loại bệnh đường ruột: Tiếp xúc với các vật dụng đầy vi khuẩn có thể gây bệnh tiêu chảy và bệnh đường ruột. Nếu sự nhiễm bẩn xảy ra lặp đi lặp lại, có thể gây mất cân bằng hệ vi sinh đường ruột, khiến con người mắc bệnh mãn tính, nhất là hệ vi khuẩn đường ruột mới. Rửa tay thường xuyên sẽ hạn chế hoặc loại bỏ căn bệnh này.

- Tránh nhiễm trùng mắt: Đây là căn bệnh do vi khuẩn xâm nhập vào mắt từ bàn tay của chúng ta như viêm kết mạc (mắt đỏ), viêm giác mạc, sưng tấy bờ mi, viêm bờ mi... Rửa tay là cách tốt nhất để kiểm soát căn bệnh này. Khi tay bẩn chưa rửa thì không được chạm hay dụi vào mắt. 

- Ngăn ngừa nhiễm trùng đường hô hấp: Những yếu tố gây nhiễm trùng đường hô hấp bao gồm vi khuẩn, virút và thậm chí một số loại nấm với các triệu chứng phổ biến như ho, hắt hơi, sổ mũi, chảy nước mũi, nghẹt mũi... Rửa tay thường xuyên sẽ loại bỏ những mầm bệnh này một cách dễ dàng và hạn chế phát sinh các căn bệnh thứ cấp từ đường hô hấp suy yếu mà ra. 

- Giảm vi khuẩn trên đôi tay: Vi khuẩn thường bám “lì lợm” trên bàn tay và các vật dụng trong nhiều ngày. Rửa tay thường xuyên sẽ giúp làm sạch vi khuẩn, không thể thâm nhập vào cơ thể qua đường miệng hay mắt. 

- Rửa tay giúp nơi làm việc không có vi khuẩn: Mọi người thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, vệ sinh sạch sẽ thiết bị văn phòng bằng sản phẩm làm sạch có chứa cồn sẽ giúp hạn chế vi khuẩn sinh sôi. Đây là cách làm đã được sử dụng thành công và trở thành quy ước tại công sở ở các nước tiên tiến trên thế giới. 

 PHÒNG DS-TT & GDSK (Trung tâm Y tế quận)

Các biện pháp phòng chống ung thư

  Ngày 26/10/2023, UBND quận triển khai kế hoạch phòng chống ung thư đến năm 2025 trên địa bàn quận. 

Theo đó, lãnh đạo UBND quận chỉ đạo ngành y tế quận cần đẩy mạnh các kỹ thuật chẩn đoán y khoa chuyên sâu, giúp tăng tỷ lệ tầm soát phát hiện sớm bệnh lý ung thư, nâng cao hiệu quả điều trị; phát triển, chuẩn hóa nguồn nhân lực chuyên ngành ung bướu các cấp độ; đảm bảo đủ thuốc, vật tư, trang thiết bị y tế thiết yếu tại các cơ sở y tế. Đồng thời, nâng cao chất lượng cuộc sống của người bệnh và giúp người bệnh có thể hòa nhập lại cuộc sống bình thường. Bên cạnh đó, củng cố mạng lưới chẩn đoán, điều trị ung thư rộng khắp từ tuyến y tế cơ sở đến các bệnh viện đa khoa, chuyên khoa trên địa bàn quận. Nâng cao khả năng tiếp cận của người dân đến các dịch vụ chẩn đoán và điều trị ung thư thông qua việc mở rộng mạng lưới bảo hiểm y tế và hỗ trợ chi phí cho người nghèo và có hoàn cảnh khó khăn. Song song đó, hoàn thiện mạng lưới chăm sóc giảm nhẹ tại các tuyến y tế; chuẩn hóa năng lực ê kíp tham gia chăm sóc giảm nhẹ bệnh nhân ung thư. Ngoài ra cần đẩy mạnh chuyển đổi số, giám sát các trường hợp bệnh nhằm quản lý dữ liệu bệnh nhân ung thư. Từng bước hình thành bản đồ điều trị ung thư tại Thành phố. Tăng cường nghiên cứu khoa học, hợp tác quốc tế nhằm trao đổi kinh nghiệm, chia sẻ dữ liệu, tiếp cận công nghệ tiên tiến cho việc kết nối, hoàn thiện mạng lưới phòng chống ung thư trên địa bàn. Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh công tác truyền thông, giáo dục sức khỏe về phòng ngừa, tầm soát và chẩn đoán sớm bệnh lý ung thư; tiêm ngừa HPV trên độ tuổi thanh thiếu niên, khuyến khích tiêm viên ngừa viêm gan siêu vi B đối với hai loại vắc xin được công nhận ngăn ngừa ung thư hiện nay…

 Ngoài ra, ngành y tế quận từng bước thành lập đơn vị/ khoa điều trị ung thư có năng lực chẩn đoán phát hiện sớm, điều trị và chăm sóc giảm nhẹ các bệnh ung thư thường gặp. Tổ chức sàng lọc định kỳ các bệnh ung thư vú, ung thư cổ tử cung và ung thư đại tràng đối với người bệnh thuộc đối tượng sàng lọc đến khám và điều trị tại Bệnh viện quận. Đồng thời, tăng cường chuyển giao kỹ thuật, hợp tác chuyên môn giữa các bệnh viện, nâng cao năng lực điều trị ung thư. Đặc biệt có các chính sách hỗ trợ đối tượng thuộc diện hộ nghèo, diện bảo trợ xã hội bị bệnh ung thư. 

MINH HOÀNG

Phòng, chống tác hại của thuốc lá

  Ngày 02/10/2023, UBND Phường 11, Đoàn TNCS Hồ Chí Minh phường phối hợp Trường THCS Nguyễn Văn Bé tổ chức tuyên truyền phòng, chống tác hại của thuốc lá. 

 Học sinh của trường được tìm hiểu nguyên nhân, tác hại của thuốc lá đối với sức khỏe con người và môi trường; cách phòng chống tác hại của thuốc lá, vì một môi trường không có khói thuốc lá. 

QUẾ ANH

Phòng, chống các bệnh truyền nhiễm

  Ngày 12/10/2023, ĐoànTNCS Hồ Chí Minh, Ủy ban Hội LHTN Việt Nam Phường 12 phối hợp Đoàn Bệnh viện Nhân dân Gia Định tổ chức tuyên truyền phòng chống các bệnh truyền nhiễm cho 54 học sinh trường phổ cập Bình Hòa. 

Các em được hướng dẫn các kỹ năng phòng, chống các loại bệnh truyền nhiễm thường gặp: đau mắt đỏ, sốt xuất huyết, tay chân miệng và kỹ năng phòng, chống xâm hại ở trẻ em. 

 Dịp này, 2 đơn vị chăm lo cho tập thể giáo viên phần quà trị giá 500.000 đồng và tặng quà cho các em học sinh nơi đây.

 • Tiếp đó, ngày 16/10/2023, UBND Phường 15 phối hợp Trường Tiểu học Lê Đình Chinh tổ chức tuyên truyền phòng chống dịch bệnh. 

Có gần 200 học sinh và giáo viên, người lao động của trường được hướng dẫn về nguyên nhân, cách nhận biết và các biện pháp phòng tránh bệnh sốt xuất huyết và đau mắt đỏ. 

NGỌC TÂN - HẢI YẾN

Bài viết nổi bật

Dâng hương kỷ niệm 79 năm Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam

  Ngày 27/8/2024, Quận ủy, Ủy ban nhân dân, Ủy ban MTTQ Việt Nam quận tổ chức lễ dâng hương, đặt vòng hoa tưởng nhớ công lao các anh hùn...

Bài viết phổ biến