Thứ Bảy, 30 tháng 4, 2022

Tổng vệ sinh đường phố

 

          Ngày 27/3/2021, Ủy ban MTTQ Việt Nam Phường 15 phát động tổng vệ sinh tại điểm 19A Điện Biên Phủ, Phường 15.

Trước đây, khu vực này là một trong những điểm tập kết rác, sau đó được chuyển về địa điểm khác. Nhận thức bảo vệ môi trường là một trong những nhiệm vụ trọng tâm mà hệ thống Mặt trận cùng với chính quyền địa phương trong công tác tuyên truyền, vận động Nhân dân dần thay đổi thói quen không tập trung rác tại nơi đây tránh gây ô nhiễm môi trường và mỹ quan đô thị.

Lực lượng tham gia gồm cán bộ Mặt trận, đoàn viên thanh niên, hội viên phụ nữ 4 khu phố và người dân tại khu phố 1. Kết quả thu gom trên 200 kg rác, xà bần và vẽ tranh cổ động bảo vệ môi trường trên 3 mảng tường tại hẻm này, diện tích 10,8 m2  với kinh phí thực hiện 2 triệu đồng.

Cán bộ Mặt trận, đoàn viên hội viên và người dân tham gia tổng vệ sinh. (Ảnh Thùy Linh)
Cán bộ Mặt trận, đoàn viên hội viên và người dân tham gia tổng vệ sinh. (Ảnh Thùy Linh)

·        Trước đó, ngày 18/3/2021, Đoàn TNCS Hồ Chí Minh Phường 22 phối hợp Chi đoàn Trường THCS Cửu Long tổ chức ra quân tổng vệ sinh.

Có 15 đoàn viên thanh niên tham gia xóa số quảng cáo sai quy định và sơn, vẽ mới các mảng tường tại khu vực Trường THCS Cửu Long (dọc tuyến đường Ngô Tất Tố).

Thông qua hoạt động này nhằm phát huy vai trò xung kích, tình nguyện, sáng tạo của đoàn viên, thanh niên trong việc bảo vệ cảnh quan môi trường, góp phần chung tay xây dựng thành phố văn minh, hiện đại, nghĩa tình.     

THÙY LINH - THUẬN PHAN


Tuyên truyền sử dụng điện an toàn


Ngày 22/3/2021 tại Trường Tiểu học Cửu Long, Đoàn TNCS Hồ Chí Minh Phường 22 phối hợp Đoàn Công ty Điện lực Gia Định tổ chức tuyên truyền sử dụng điện an toàn.

Có 400 học sinh được trang bị những kiến thức về điện, từ đó hình thành thói quen sử dụng điện an toàn, tiết kiệm và hiệu quả.

Đây là hoạt động thiết thực hưởng ứng “Giờ Trái đất” năm 2021.

                                                                                      THUẬN PHAN

Tuyên truyền sử dụng điện an toàn cho học sinh trường Tiểu học Cửu Long. (Ảnh Thuận Phan)
Tuyên truyền sử dụng điện an toàn cho học sinh trường Tiểu học Cửu Long. (Ảnh Thuận Phan)

Chung tay ứng phó biến đổi khí hậu


Hiện nay, do sự tác động của các điều kiện tự nhiên và hoạt động của con người mà sự thay đổi khí hậu trong khoảng thời gian dài, biểu hiện rõ rệt qua sự nóng lên toàn cầu, mặt nước biển dâng và sự gia tăng các hiện tượng khí tượng thủy văn cực đoan.

Biến đổi khí hậu (Climate change) thường đề cập tới hiện nay được gọi chung bằng hiện tượng nóng lên toàn cầu. Nguyên nhân chính làm biến đổi khí hậu trái đất là do sự gia tăng các hoạt động tạo ra các chất thải khí nhà kính (CO2, CH4, N2O…) vào bầu khí quyển, các hoạt động khai thác quá mức các bể hấp thụ, bể chứa khí nhà kính như sinh khối, chặt phá rừng, sản xuất xi măng, sử dụng nguyên liệu hóa thạch, các hoạt động thay đổi sử dụng đất, các hệ sinh thái biển, ven bờ và đất liền… dẫn đến sự ấm lên của hệ thống khí hậu, gia tăng nhiệt độ bề mặt trái đất và kéo theo nhiều thay đổi khác.

Việt Nam hiện nay được đánh giá là một trong 5 quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất của biến đổi khí hậu (BĐKH). Trong 10 năm qua, mỗi năm nhiệt độ trung bình tại Việt Nam tăng thêm gần 0,1oC và nước biển dâng từ 2,5 đến 3cm. Nếu nhiệt độ trái đất tăng 2oC, khoảng 22 triệu người Việt Nam sẽ mất nhà cửa, khoảng 45% đất nông nghiệp ở đồng bằng sông Cửu Long sẽ bị mất do nước biển dâng.

Hậu quả biến đổi khí hậu không chỉ dừng lại ở đó, nhiệt độ tối đa sẽ tăng cao đến rất cao, nhiều ngày nóng, oi bức thường xuyên và kéo dài gây ra hạn hán, cháy rừng. Mùa mưa hoặc mùa khô có thể bắt đầu muộn hoặc sớm hơn, ảnh hưởng đến mùa lũ. Lượng mưa cực lớn dẫn đến lụt, lũ quét và lỡ đất, cường độ của các trận bão, gió lớn tăng lên, mực nước biển dâng nguồn nước và đất bị nhiễm mặn.

Trong nhiều năm qua, trái đất nóng dần lên khiến băng tan ở hai cực và các đỉnh núi cao. Nhiều hiện tượng thời tiết cực đoan, thiên tai xảy ra ở nhiều nơi trên thế giới và tại Việt Nam với tần suất, cường độ và quy mô ngày càng lớn gây thiệt hại nặng nề về người và cơ sở vật chất.

Thành phố Hồ Chí Minh là một trong 10 thành phố trên thế giới bị đe dọa nhiều nhất bởi BĐKH. BĐKH ảnh hưởng mạnh đến nhiệt độ, lượng mưa và triều cường; tình trạng ngập lụt ở đô thị diễn ra thường xuyên và trầm trọng; xâm nhập mặn ngày càng sâu vào thượng nguồn ảnh hưởng đến nguồn cung cấp nước sạch, hoạt động sản xuất, cơ sở hạ tầng… ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống dân cư thành phố. Các khu vực bị ảnh hưởng do ngập tại TPHCM bao gồm quận và các huyện: Bình Thạnh, Quận 2 và 9 (nay thuộc địa bàn Thành phố Thủ Đức), Quận 7, 8, 12, Nhà Bè, Cần Giờ, Bình Chánh, Hóc Môn, Củ Chi.

Với tình hình đó, để giảm thiểu BĐKH, mỗi người dân cần tìm hiểu về ảnh hưởng của BĐKH đối với khu vực mình sinh sống để chủ động phòng tránh giảm nhẹ rủi ro, thiệt hại (ngập, sạt lở đất, bão, lụt…), không làm nhà ở khu vực có nguy cơ sạt lở; gia cố nhà cửa; bố trí chỗ thoát hiểm; chuẩn bị chỗ di dời đồ đạc khi có bão, ngập lụt; dự trữ nước uống, lương thực…

Thường xuyên theo dõi thông tin cảnh báo và tuân thủ hướng dẫn của địa phương và Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn TP.HCM trong các trường hợp xảy ra thiên tai.

Chuẩn bị các biện pháp phòng bệnh, giữ gìn vệ sinh và bảo vệ sức khỏe trong điều kiện thời tiết thay đổi theo chiều hướng cực đoan, thiên tai.

Giảm phát sinh khí thải nhà kính: Bỏ rác đúng nơi quy định để rác được thu gom và xử lý đúng; tiết giảm, tái sử dụng, tái chế và phân loại rác thải tại nguồn; ưu tiên sử dụng phương tiện công cộng đi bộ, xe đạp; giảm tiêu thụ năng lượng, ưu tiên năng lượng sạch; ăn uống cân bằng, hạn chế lượng thịt tiêu thụ; trồng và chăm sóc cây xanh; tiết kiệm và bảo vệ nguồn nước, sử dụng nước mưa cho các mục đích phù hợp; ưu tiên mua sắm thực phẩm, sản phẩm tại địa phương.

(nguồn: Sở Tài nguyên và Môi trường)

Tập huấn lập danh sách hộ nghèo, cận nghèo

 

          Ngày 30/3/2021, UBND quận tổ chức hội nghị tập huấn khảo sát lập danh sách hộ nghèo, hộ cận nghèo giai đoạn 2021 - 2025.

          Tham dự có thành viên Ban giảm nghèo bền vững quận và 20 phường.

          Người dự được hướng dẫn khảo sát thực trạng đời sống dân cư giai đoạn 2021 - 2025; quy trình bình nghị và công nhận hộ nghèo, hộ cận nghèo thành phố giai đoạn 2021 - 2025. Đồng thời, giải đáp các khó khăn, vướng mắc trong việc ghi phiếu khảo sát, rà soát thực trạng đời sống dân cư.

Đại biểu tham gia góp ý tại hội nghị tập huấn khảo sát lập danh sách hộ nghèo, hộ cận nghèo giai đoạn 2021 - 2025. (Ảnh MH)
Đại biểu tham gia góp ý tại hội nghị tập huấn khảo sát lập danh sách hộ nghèo, hộ cận nghèo
giai đoạn 2021 - 2025. (Ảnh MH)

Qua đó, xây dựng cơ sở dữ liệu về hộ nghèo, hộ cận nghèo quận giai đoạn 2021 - 2025 nhằm đo lường mức độ thiếu hụt về 5 chiều nghèo gắn với 10 chỉ số thiếu hụt xã hội cơ bản của từng hộ nghèo, hộ cận nghèo. Từ đó, hoạch định và tổ chức thực hiện các chính sách hỗ trợ giảm nghèo, an sinh xã hội và các chính sách kinh tế - xã hội khác của thành phố, quận. Làm cơ sở xây dựng mục tiêu, chỉ tiêu, kế hoạch giảm nghèo theo từng năm và giai đoạn của quận.                              

    MH

Trao phương tiện sinh kế, sổ tiết kiệm

 

Ngày 19/3/2021, Đoàn TNCS Hồ Chí Minh Cụm 1 (Phường 1, 2, 3, 5, 6) trao phương tiện sinh kế cho đoàn viên có hoàn cảnh khó khăn.

          Dịp này, Đoàn Cụm 1 trao máy nén khí cho gia đình đoàn viên Nguyễn Thành Trung, ngụ tại 407 Lê Quang Định, Phường 5, trị giá 3 triệu đồng.

          Qua việc hỗ trợ phương tiện, tạo việc làm, cải thiện cuộc sống giúp gia đình đoàn viên vươn lên trong cuộc sống.                                                        

·        Tiếp đó, ngày 25/3/2021, Hội LHPN Phường 1 tổ chức trao sổ tiết kiệm “Vòng tay yêu thương” cho hội viên có hoàn cảnh khó khăn, bệnh nan y, người già neo đơn.

Dịp này, Hội trao 15 sổ tiết kiệm với tổng số tiền 20 triệu đồng.

Qua đó, góp phần thực hiện tốt hoạt động chăm lo an sinh xã hội tại địa phương.                                                   

·        Tiếp đó, ngày 05/4/2021, Hội Người cao tuổi Phường 1 trao 5 sổ tiết kiệm cho các hội viên có hoàn cảnh khó khăn. Tổng kinh phí 5 triệu đồng.

          Dịp này, Hội còn tổ chức bữa ăn dinh dưỡng nghĩa tình, trao 100 phần ăn sáng và 100 phần quà cho hội viên người cao tuổi là hộ cận nghèo, người gia neo đơn, khó khăn, khuyết tật… với tổng số tiền 12 triệu đồng.

Qua các hoạt động này, góp phần thực hiện tốt công tác an sinh xã hội trên địa bàn ngày càng tốt hơn.                                      

TV - PHƯƠNG THANH - VL

Bàn giao công trình nhà tình thương, tình bạn


Ngày 22/3/2021, Đảng ủy, HĐND, UBND, UBMTTQ Việt Nam Phường 5 phối hợp tổ chức lễ bàn giao công trình sửa chữa nhà tình thương cho hộ gia đình bà Phạm Thị Thảo, ngụ tại số 49/30A Nguyễn Trung Trực.

Gia đình bà Thảo thuộc diện hộ cận nghèo với 6 nhân khẩu. Cả gia đình sống trong căn nhà nhỏ với diện tích 26,8m2 xuống cấp trầm trọng. Phường hỗ trợ nâng nền, sơn tường và sửa chữa một số công trình phụ với tổng kinh phí 6,5 triệu đồng.

Tại lễ bàn giao, UBMTTQ, Hội Cựu chiến binh và khu phố 2 tặng những phần quà động viên gia đình vươn lên sớm vượt chuẩn cận nghèo.

·        Trước đó, ngày 21/3, 02/4/2021, Quận Đoàn phối hợp Phường 6, 11, 25 tổ chức bàn giao công trình nâng cấp sửa chữa nhà tình bạn cho gia đình 3 đoàn viên: Phan Thanh Bình, Bí thư Chi đoàn Quân sự Phường 6, Phạm Gia Lâm, Chi đoàn Quân sự Phường 11 và Tống Thị Mỹ Tiên, Bí thư Chi đoàn khu phố 1, Phường 25.

Công trình được thực hiện trong 2 tuần, gồm: thay mới cửa, trần, mái tole, cầu thang… xây lại tường bếp, chống thấm và đi lại đường dây điện. Tổng kinh phí thực hiện 256 triệu đồng. Trong đó, Quận Đoàn hỗ trợ 40 triệu đồng, 3 phường hỗ trợ 60 triệu đồng, mạnh thường quân ủng hộ 60 triệu đồng, còn lại gia đình tự lo.

                                                                   MỘNG THÙY - ĐỨC TRUNG

Đối thoại Nhân dân về giảm nghèo bền vững


Ngày 05/4/2021, Đảng ủy, HĐND, UBND, UBMTTQ Việt Nam Phường 7 tổ chức đối thoại với Nhân dân chuyên đề “Giải pháp nâng cao chất lượng đời sống của hộ cận nghèo trên địa bàn”.

Tham dự có lãnh đạo phường, trưởng, phó khu phố, trưởng, phó tổ dân phố - Mặt trận và đại diện Nhân dân.

Có nhiều lượt ý kiến về các giải pháp đẩy mạnh thực hiện chương trình giảm nghèo bền vững tại địa phương như: Đẩy mạnh tuyên truyền mục tiêu giảm nghèo đến mọi cấp, mọi ngành, các tầng lớp Nhân dân để thay đổi và chuyển biến nhận thức trong giảm nghèo; khơi dậy ý chí chủ động, vươn lên thoát nghèo của người dân khó khăn; sử dụng có hiệu quả chính sách và nguồn lực hỗ trợ của Nhà nước, của cộng đồng để thoát nghèo; thực hiện đa dạng hóa nguồn vốn huy động để triển khai thực hiện chương trình. Đồng thời phát động phong trào thi đua chung tay vì người nghèo; tôn vinh các doanh nghiệp, tập thể cá nhân có nhiều đóng góp về nguồn lực, cách làm hiệu quả trong công tác giảm nghèo bền vững…

Đại diện người dân Phường 7 đóng góp ý kiến tại hội nghị đối thoại. (Ảnh TT)
Đại diện người dân Phường 7 đóng góp ý kiến tại hội nghị đối thoại. (Ảnh TT)
        Qua đối thoại giúp lãnh đạo phường có những giải pháp phù hợp với tình hình thực tế để thực hiện chương trình giảm nghèo bền vững tại địa phương ngày càng tốt hơn, tạo được lòng tin của người dân.                                   

NN

Bài viết nổi bật

Dâng hương kỷ niệm 79 năm Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam

  Ngày 27/8/2024, Quận ủy, Ủy ban nhân dân, Ủy ban MTTQ Việt Nam quận tổ chức lễ dâng hương, đặt vòng hoa tưởng nhớ công lao các anh hùn...

Bài viết phổ biến