Ngày 12/11/2024, Ủy ban nhân dân quận tiếp đoàn Sở Văn hóa và Thể thao TPHCM làm việc về công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực di sản và đặt, đổi tên đường trên địa bàn quận.
Trưởng đoàn là đồng chí Nguyễn Minh Nhựt, Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao; cùng đi có các đồng chí Hoàng Nghị, Trưởng phòng Quản lý Di sản Văn hóa, Sở Văn hóa và Thể thao; Huỳnh Lư Vũ Minh, Phó Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích; đại diện Sở Tài Chính TPHCM.
Tiếp đoàn có các đồng chí Thái Thị Hồng Nga, UVBTV Quận ủy, Phó Chủ tịch UBND quận; Dương Tấn Khanh, Trưởng Phòng Văn hóa và Thông tin quận; lãnh đạo các Phòng Quản lý Đô thị, Tài Nguyên và Môi trường, Tài chính và Kế hoạch quận, UBND Phường 14.
Trên địa bàn quận hiện nay có 7 di tích gồm: 2 di tích lịch sử cấp Quốc gia là Lăng Đức Tả quân Lê Văn Duyệt và Đình Bình Hòa; 5 di tích cấp thành phố: Đình Cầu Sơn, Đình Bình Quới Tây, nhà cổ dân dụng truyền thống Vương Hồng Sển, Chùa Sắc Tứ Tập Phước, Chùa Văn Thánh. Ngoài ra còn có 1 di sản văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia là lễ hội truyền thống “Khai hạ - Cầu an” tại Lăng Đức Tả quân Lê Văn Duyệt.
Hàng năm Ban quản lý các di tích đều tổ chức lễ kỳ yên, lễ giỗ truyền thống, các nghi thức, nghi lễ được thực hiện theo nghi thức tiểu cung đình triều Nguyễn. Các cơ sở tín ngưỡng khi thực hiện sửa chữa, tu bổ, tôn tạo đều thực hiện theo đúng quy định của Luật Di sản văn hóa. Bên cạnh đó, có một số di tích bị xuống cấp, cần được quan tâm đầu tư, sửa chữa, tôn tạo và bảo tồn kịp thời.
Đồng chí Thái Thị Hồng Nga báo cáo công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực di sản và đặt, đổi tên đường trên địa bàn quận. (Ảnh: MH) |
Đối với công tác đặt, đổi tên đường được quận quan tâm thực hiện, trên địa bàn quận có 86 tuyến đường đã được đặt tên, có 13 tuyến đường số và 2 công trường; thực hiện công tác chuyển đổi số, gắn mã vạch QR, tuyên truyền lịch sử tên đường đến Nhân dân trên địa bàn quận. Hiện nay quận có 50 tên đường trùng với các tên đường ở thành phố Thủ Đức và các quận huyện khác; một số tuyến đường chưa có tên do quận chưa nhận bàn giao từ đơn vị đầu tư. Tại hội nghị, các đại biểu làm rõ những khó khăn, vướng mắc trong công tác quản lý nhà nước về lĩnh vực di sản, đặt đổi tên đường.
Kết luận hội nghị, đồng chí Nguyễn Minh Nhựt, Phó Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao đề nghị quận cần xây dựng Đề án phát huy và bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia lễ hội truyền thống “Khai hạ - Cầu an” tại Lăng Lê Văn Duyệt. Đồng thời, phối hợp với Phòng Quản lý Di sản Văn hóa, Trung tâm Bảo tồn Di tích quan tâm theo dõi, thực hiện trùng tu các di tích theo đúng quy định. Riêng đối với nhà cổ dân dụng truyền thống Vương Hồng Sển, Sở Văn hóa, Thể thao, Trung tâm Bảo tồn Di tích và chính quyền địa phương cần quan tâm, theo dõi không để việc cư trú, xây dựng, sửa chữa mới không phép ảnh hưởng đến di tích; tiến hành khảo sát, lập dự án, phương án đầu tư, sửa chữa, tôn tạo và bảo tồn kịp thời. Đối với những tên đường tại khu dân cư mới cần nghiên cứu về tính pháp lý và lấy ý kiến người dân tại địa phương.
HOÀNG QUÂN