Chủ Nhật, 24 tháng 4, 2022

Bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống dân tộc và địa phương qua các hình thức online


Những năm gần đây, tình trạng mai một, khó bảo tồn các sinh hoạt văn hóa truyền thống ở một số cộng đồng đang là mối lo ngại lớn của toàn xã hội. Đặc biệt, khi vấn đề này không được quan tâm đúng mức sẽ dẫn đến hệ lụy còn lớn hơn nữa khi những người trẻ, đối tượng thanh thiếu niên không còn biết đến những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc, cũng như các hoạt động sinh hoạt văn hóa truyền thống tại địa phương. Do đó, nhận thức được vai trò, trách nhiệm trong việc đổi mới các mô hình trong công tác tuyên truyền, giáo dục truyền thống, từ đầu năm 2020 đến nay, Trung tâm Văn hóa quận Bình Thạnh đã mở rộng thực hiện nhiều giải pháp để đa dạng hóa trong công tác tuyên truyền.

Chuyển đổi hình thức tuyên truyền trực tiếp qua các phương thức online

Vài năm trước đây trong quá trình thực hiện cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, hầu hết các phong trào văn hóa - văn nghệ, công tác tuyên truyền cổ động của Trung tâm Văn hóa đều tổ chức qua hình thức trực tiếp, phục vụ cho công chúng trên địa bàn quận. Tuy nhiên sự bùng phát của đại dịch Covid-19 đã làm thay đổi các hình thức giao tiếp trực tiếp, cùng với sự phát triển của công nghệ số trên toàn cầu đã tạo điều kiện cho việc tuyên truyền nói chung, trong đó có quảng bá các Di tích lịch sử - văn hóa mang giá trị tinh thần cho công chúng có điều kiện tiếp cận rộng hơn với công chúng dưới hình thức trực tuyến (Online) với nhiều nội dung, hình ảnh phong phú, góp phần bảo tồn và phát huy truyền thống của dân tộc một cách hiệu quả hơn.

Thực hiện đồng bộ, đa dạng hóa các nội dung tuyên truyền trên từng lĩnh vực

Với chủ trương tạo một chuỗi các hoạt động văn hóa văn nghệ vừa để tuyên truyền vừa lưu giữ những giá trị lịch sử, Trung tâm Văn hóa quận phát động thực hiện các cuộc thi “Giới thiệu về Di tích lịch sử văn hóa Lăng Lê Văn Duyệt và Nhà Truyền thống quận Bình Thạnh” qua video clip và qua viết bài cảm nhận; cuộc thi ảnh nghệ thuật “Nét đẹp Kiến trúc Lăng” đã tạo cơ hội cho 20 phường của quận cũng như các nhà nhiếp ảnh có cơ hội tìm hiểu kỹ hơn về Lăng Lê Văn Duyệt, về quá trình hình thành và phát triển của quận Bình Thạnh. Với sự đầu tư công phu, các đơn vị và cá nhân đã sáng tạo những tác phẩm có ý nghĩa tuyên truyền sâu rộng trong cộng đồng và quần chúng Nhân dân. Nối tiếp các hoạt động nêu trên, Thư viện quận Bình Thạnh còn tổ chức giới thiệu rộng rãi cuốn sách “Lăng tả quân Lê Văn Duyệt - Nghệ thuật kiến trúc - Trang trí lễ hội” tại các đơn vị trường học và thực hiện video clip giới thiệu trên trang Fanpage Thư viện Bình Thạnh. Qua đó đã lan tỏa đến thế hệ trẻ hiểu biết về nghệ thuật kiến trúc, trang trí và các hoạt động văn hóa mang đặc trưng tín ngưỡng dân gian tại đây, đồng thời cũng gợi mở những suy nghĩ về những đặc điểm văn hóa truyền thống của các cư dân Nam bộ. Song song đó, hoạt động triển lãm các bộ ảnh, giới thiệu sách online thông qua kỹ thuật dựng video clip kết hợp hiệu ứng âm thanh hình ảnh sống động đã tuyên truyền hiệu quả về ý nghĩa lịch sử các ngày lễ kỷ niệm lớn của đất nước, từ đó duy trì có hiệu quả công tác tuyên truyền, giáo dục truyền thống.

Trải qua quá trình thực hiện, đến nay đơn vị đã biên tập, dàn dựng và thực hiện gần 60 video clip với các nội dung: giới thiệu về các cuộc triển lãm tổ chức tại địa phương (12 video clip), 1 video clip giới thiệu về Nhà Truyền thống quận, 1 video clip giới thiệu Tiểu sử của các Mẹ Việt Nam anh hùng, 21 video clip tuyên truyền giới thiệu sách nhân kỷ niệm các ngày lễ lớn, 21 video clip của các phường và các Trường THPT trên địa bàn quận tham gia hội thi giới thiệu Di tích Lịch sử Văn hóa Lăng Lê Văn Duyệt và Nhà Truyền thống quận, 150 tác phẩm ảnh nghệ thuật tham gia cuộc thi “Nét đẹp Kiến trúc Lăng” đã trở thành một điểm son, một nét văn hóa truyền thống mang đặc trưng không thể thiếu trong phong trào văn hóa văn nghệ của quận nhà, tạo nên một sân chơi bổ ích dành cho Nhân dân trên địa bàn quận, góp phần tạo động lực, phát huy khối đại đoàn kết toàn dân tộc trong các phong trào, cuộc vận động tại địa phương.

…tạo sức lan tỏa trong hoạt động phong trào

Việc bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống dân tộc và địa phương qua các hình thức online đã có tác dụng tận dụng tối đa ưu thế mạng xã hội trong công tác tuyên truyền, giúp cho các nội dung tuyên truyền được tiếp cận rộng hơn với công chúng nhằm mục đích nâng cao ý thức và trách nhiệm của mỗi người dân trong việc bảo tồn các giá trị văn hóa lịch sử. Các video clip nêu trên đã được giới thiệu trên các trang Fanpage của các ban ngành đoàn thể quận: Người Bình Thạnh (của Quận ủy Bình Thạnh), Mặt trận Tổ quốc quận Bình Thạnh (của UB.MTTQ Việt Nam quận), Liên đoàn Lao động quận Bình Thạnh (của Liên đoàn Lao động quận), Tuổi trẻ Bình Thạnh (của Quận Đoàn Bình Thạnh), Hội Liên hiệp Phụ nữ Bình Thạnh (của Hội Liên hiệp Phụ nữ quận); Trung tâm Văn hóa quận Bình Thạnh - Nhà Truyền thống quận Bình Thạnh - Nhà văn hóa Thanh Đa - Thư viện quận Bình Thạnh (của Trung tâm Văn hóa quận) và các trang Fanpage của các cơ sở trường học đã tạo được hiệu ứng quan tâm theo dõi của lực lượng cán bộ, hội viên, đoàn viên, học sinh và công chúng, từ đó tạo được sức lan tỏa trong các hoạt động phong trào.

Hướng tới, Trung tâm Văn hóa quận sẽ tiếp tục nghiên cứu, sáng tạo thêm các hình thức về chuyên môn nghệ thuật, về quy mô tổ chức để tiếp tục phát huy và bảo tồn những giá trị lịch sử - văn hóa và các phong trào văn hóa - văn nghệ tại địa phương trong tình hình mới để góp phần nâng cao đời sống tinh thần của Nhân dân trên địa bàn quận.                                                                                    

VŨ HỒNG

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Cám ơn bạn đã quan tâm

Bài viết nổi bật

Tiếp đoàn khảo sát của Thành ủy về công tác chuẩn bị Đại hội đại biểu Đảng bộ quận nhiệm kỳ 2025 - 2030

Ngày 28/10/2024, đoàn khảo sát Thành ủy TPHCM có buổi làm việc với Ban Thường vụ Quận ủy quận Bình Thạnh về công tác chuẩn bị Đại hội đạ...

Bài viết phổ biến