Thứ Hai, 11 tháng 4, 2022

Con trâu trong dân gian Việt Nam

·        VĂN THANH


Trong nền văn minh lúa nước, con trâu được coi là “đầu cơ nghiệp”, bởi luôn gắn bó với đồng áng, với con người. “Trâu ơi! Ta bảo trâu này, trâu ra ngoài ruộng trâu cày với ta…”. Mơ ước lớn nhất của người nông dân là phải có cho được “ruộng sâu, trâu nái”. Cả về lẽ sống, Nhân dân ta cũng cho rằng: “Trâu chết để da, người ta chết để tiếng”.

Ở Việt Nam ta, từ xa xưa, con người đã có nhận thức rất phong phú về trâu. Các em bé hay truyền nhau khúc đồng dao hài hước:

Trịnh trọng chàng trâu chào chú chuột

Choáng choàng chú chuột trốn chàng trâu”.

và thường truyền nhau câu đố:

…“Cái gì trông tựa ông voi

Nhưng ngà mọc ngược mà vòi lại không?”

            (Là con trâu)…

Khi nền văn minh lúa nước Việt Nam càng phát triển thì nhận thức của con người càng đi vào chiều sâu. Các truyện dân gian về trâu cũng thể hiện điều ấy. Như truyện “Gốc tích cái nốt ruồi dưới cổ con trâu” đã giải thích lý thú về hình dạng một động vật, thể hiện nhận thức sự vật bề ngoài. Truyện “Trâu vàng Hồ Tây” gắn với nghề đúc chuông trong thời Phật giáo phát triển ở Việt Nam thể hiện nhận thức đi vào chiều sâu sự vật, trong mối quan hệ rộng rãi mở cửa ra bên ngoài của con người. Càng về sau càng nhiều chuyện về con trâu đã cho chúng ta nhiều suy ngẫm triết lý cuộc đời và mang ý nghĩa giáo dục…

Vào thời kỳ nhà nước phong kiến, có biết bao giai thoại kỳ thú trong lịch sử, trong dân gian, như: Đinh Bộ Lĩnh, người ở Động Hoa Lư, con quan Thứ sử Hoan Châu là Đinh Công Tráng. Cha mất sớm, nhà nghèo phải đi chăn trâu cho chú. Thường ngày tụ tập trẻ chăn trâu, lấy cờ lau tập trận, có khi làm thịt cả trâu của chú để… khao quân. Sau này, Đinh Bộ Lĩnh phất cờ khởi nghĩa dẹp loạn 12 sứ quân, được Nhân dân xưng tụng là Vạn Thắng Vương. Năm Mậu Thìn (968), ông lên ngôi hoàng đế xưng là Đinh Tiên Hoàng Đế, đặt tên nước là Đại Cồ Việt.

Với nghĩa quân Lam Sơn (1418 - 1427) ngoài việc dùng voi, ngựa thuyền bè và những vũ khí khác để đánh giặc Minh, còn chế tạo kiểu xe bọc bằng da trâu dùng để công phá thành quách. Loại xe 4 bánh gọi là xe “phân ôn” khung được bọc kín bằng da trâu chứa 10 người đứng bên trong tiến sát đến chân thành, tên bắn, giáo mác, phi lao đâm không thủng. Những trận công kiên thành bằng xe bọc da trâu đều mang về nhiều thắng lợi. Trong trận Bạch Đằng Giang, dân gian còn truyền tụng việc Hưng Đạo Vương cưỡi voi vượt sông, không may voi sa lầy, Ngài phải cưỡi trâu sang bờ. Nhìn con voi đang chìm dần, Hưng Đạo Vương sa nước mắt nói: “Kết thúc chiến tranh ta sẽ dựng tượng voi và cả tượng trâu này bên bờ sông”. Gắn liền với trận thủy chiến hào hùng ấy có trợ thủ đắc lực của Hưng Đạo Vương Yết Kiêu, “con cá kình ông nước Đại Việt”, với truyền thuyết nuốt lông trâu thần mà có sức khỏe vô địch, sống dưới nước như đi trên bộ, đục thủng nhiều chiến thuyền địch. Vào thế kỷ XVII, thời Lê Trịnh, theo lệ cứ mỗi năm các viên trấn thủ các xứ và các chợ ở Kinh đô, mỗi nơi phải nộp 100 tấm da trâu để làm mũ, làm áo lính. Mũ và áo giáp binh sĩ làm bằng da trâu sơn đỏ, khi xông trận gươm giáo và tên bắn khó thủng.

Là người Việt Nam, ít nhiều, ai cũng từng nghe, đọc những giai thoại về Trạng Quỳnh tức Nguyễn Quỳnh (1677 - 1748). Ông  danh sĩ thời Lê - Trịnh (vua Lê Hiển Tông), từng thi đỗ Hương cống nên còn gọi  Cống Quỳnh. Ông nổi tiếng với sự trào lộng, hài hước có nhiều giai thoại nên trong dân gian thường gọi là Trạng Quỳnh. Truyện kể: Khi sang nước ta, sứ Tàu dắt theo một con trâu chọi rất to, rất khỏe và rất hăng máu, thách trâu ta chọi. Vua sai người đi tìm mãi mà không được con nào xứng sức đối địch. Trạng Quỳnh nghe nói liền tâu với vua rằng ta đã có sẵn trâu chọi. Đến ngày tỉ thí, dân nghe nói trâu Trạng chọi với trâu xứ Tàu kéo nhau đến xem rất đông. Khi trâu của sứ Tàu thả ra, to lớn, cổ quái, hai mắt long lên sòng sọc, đứng nghênh sừng chờ chọi. Lúc ấy, Quỳnh liền tháo một con nghé con ra. Chú nghé bị nhốt riêng suốt một đêm, khát sữa quá nên khi thấy trâu sứ Tàu tưởng là trâu mẹ, liền đến thúc đầu vào bụng trâu chọi để tìm vú. Trâu chọi khó chịu, lùi mãi, cuối cùng không chịu được, liền bỏ chạy. Quỳnh vỗ tay reo: Nghé ta thắng trâu Tàu rồi đấy!

Sang thời Chúa Nguyễn, có Đào Duy Từ người làng Hoa Tri, huyện Ngọc Sơn, phủ Tĩnh Gia (Thanh Hóa). Do là con của một gia đình làm nghề ca hát (xướng ca vô loại) nên không được đi thi, Đào Duy Từ bỏ vào phía Nam, chăn trâu cho một phú ông. Để tỏ chí mình, ông làm bài “Ngọa Long Cương Văn”, sánh mình như Gia Cát Khổng Minh lúc còn ẩn dật Ngọa Long Sơn. Quan Khám Lý Trần Đức Hòa ở Quy Nhơn biết được và mến tài nên tiến cử lên chú Sãi. Từ đó Đào Duy Từ giúp chúa Nguyễn bày mưu định kế chống lại chúa Trịnh…

Trong mười hai con giáp, trâu đứng thứ hai, là con vật thân thiết, gắn bó với nông dân, nông nghiệp, nông thôn Việt Nam trong suốt quá trình lịch sử. Vì thế, không thể kể hết những giai thoại lý thú về con trâu./.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Cám ơn bạn đã quan tâm

Bài viết nổi bật

Dâng hương kỷ niệm 79 năm Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam

  Ngày 27/8/2024, Quận ủy, Ủy ban nhân dân, Ủy ban MTTQ Việt Nam quận tổ chức lễ dâng hương, đặt vòng hoa tưởng nhớ công lao các anh hùn...

Bài viết phổ biến