Thứ Năm, 7 tháng 4, 2022

Mùa xuân năm ấy, Nguyễn Ái Quốc thành lập Đảng

 KỶ NIỆM 91 NĂM NGÀY THÀNH LẬP ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM (03/02)

·        NGUYỄN XUYẾN

          Cuộc vận động thành lập Đảng Cộng sản ở Việt Nam được bắt đầu từ những năm sau chiến tranh thế giới thứ nhất, khi chủ nghĩa Mác - Lê-nin được truyền bá vào nước ta. Các lớp huấn luyện cho những thanh niên yêu nước do lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc tổ chức và trực tiếp giảng dạy ở Quảng Châu (Trung Quốc) vào những năm giữa thập kỷ 20 thế kỷ trước có tác dụng to lớn cho sự ra đời của Đảng ta.

          Khi mới tới Quảng Châu, Nguyễn Ái Quốc gặp những người trong tổ chức Tâm Tâm xã gồm bảy thanh niên yêu nước Việt Nam, lập ra từ năm 1923. Đến năm 1925, trên cơ sở của Tâm Tâm xã, Nguyễn Ái Quốc tổ chức lại thành Việt Nam Thanh niên cách mạng đồng chí Hội với mục đích là làm cuộc cách mạng giải phóng dân tộc, sau đó, thực hiện chủ nghĩa cộng sản ở Việt Nam. Từ khi ra đời cho đến khi kết thúc, Việt Nam Thanh niên cách mạng đồng chí Hội đã làm được ba việc quan trọng: tổ chức phong trào cách mạng ở trong nước, đào tạo cán bộ và xuất bản báo Thanh niên, trong đó việc đào tạo cán bộ chiếm vị trí hàng đầu. Số lượng cán bộ được Nguyễn Ái Quốc huấn luyện tại Quảng Châu, theo mật thám Pháp phỏng đoán khoảng 250 người, theo tài liệu của ta ước tính khoảng từ 200 đến 300 người.

          Khi đã có một đội ngũ cán bộ được huấn luyện về chủ nghĩa cộng sản, Nguyễn Ái Quốc đưa họ trở về nước hoạt động. Người còn đưa khá nhiều tài liệu, sách báo cách mạng vào Việt Nam theo nhiều đường khác nhau.      Trong lúc công việc của Nguyễn Ái Quốc đang được tiến hành thuận lợi, ở Trung Quốc xảy ra sự biến: Cánh hữu của Quốc dân đảng mở cuộc tiến công vào những người cộng sản. Nhiều người Việt Nam đang hoạt động tại đây bị bắt. Nguyễn Ái Quốc đành phải rời Quảng Châu để đi Liên Xô và đã có những chỉ thị quan trọng nhằm thúc đẩy việc thành lập Đảng. Người còn đặc biệt chăm lo giáo dục cán bộ Việt Nam học tại Trường Đại học Phương Đông, để sau khi học xong, sẽ trở thành những cán bộ nòng cốt của Đảng trong tương lai, trong số đó, có Trần Phú. Trong giai đoạn Đảng chuẩn bị ra đời, mặc dù lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc không có ở trong nước, nhưng những học trò của Người vẫn tiếp tục xúc tiến công việc đã vạch ra. Sự ra đời của Chi bộ cộng sản đầu tiên tại 5Đ Hàm Long vào hạ tuần tháng 3/1929 là dấu hiệu cho thấy một chính đảng sắp ra đời. Ba tháng sau đó, Đông Dương Cộng sản Đảng cũng được thành lập vào ngày 17/6/1929, tại nhà số 312, phố Khâm Thiên, Hà Nội. Tiếp đó, An Nam Cộng sản Đảng thành lập tháng 7/1929 và Đông Dương Cộng sản Liên đoàn thành lập tháng 9/1929. Mục đích hướng tới của ba tổ chức cộng sản này là giống nhau, nhưng lại khác nhau về phương pháp, nên dẫn đến mâu thuẫn và chưa có sự hỗ trợ nhau.

          Thời gian này, Nguyễn Ái Quốc đang ở Thái Lan. Từ đây, Người đến Hương Cảng (Trung Quốc) vào ngày 23/12/1929 và triệu tập đại biểu của Đông Dương Cộng sản Đảng cùng An Nam Cộng sản Đảng để bàn việc thống nhất thành lập một tổ chức đảng. Hội nghị diễn ra trong căn phòng nhỏ của xóm thợ tại Cửu Long (Hương Cảng, Trung Quốc) ngày 03/02/1930, do lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc (bí danh Vương), đại diện Quốc tế Cộng sản, chủ trì. Các đại biểu tán thành ý kiến chỉ đạo của Nguyễn Ái Quốc, thông qua kế hoạch thành lập một đảng lấy tên là Đảng Cộng sản Việt Nam và các văn kiện: Chánh cương vắn tắt, Sách lược vắn tắt, Chương trình tóm tắt, Điều lệ vắn tắt do Người soạn thảo. Những văn kiện này là kết quả của sự vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lê-nin, các Nghị quyết của Quốc tế Cộng sản về phong trào giải phóng dân tộc, đề ra đường lối đúng đắn cho cách mạng Việt Nam phù hợp với hoàn cảnh cụ thể của đất nước. Cũng nhân dịp trọng đại này, đồng chí Nguyễn Ái Quốc ra Lời kêu gọi Nhân dân Việt Nam tham gia cách mạng.

          Đánh giá ý nghĩa của sự kiện thành lập Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết: “Chủ nghĩa Mác - Lê-nin kết hợp với phong trào công nhân và phong trào yêu nước đã dẫn tới việc thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam vào mùa Xuân năm 1930. Việc thành lập Đảng là một bước ngoặt vô cùng quan trọng trong lịch sử cách mạng Việt Nam ta. Nó chứng tỏ rằng giai cấp vô sản ta đã trưởng thành và đủ sức lãnh đạo cách mạng”. Ngày 24/02/1930, theo yêu cầu của Đông Dương Cộng sản Liên đoàn, Ban Chấp hành Trung ương lâm thời của Đảng ra Quyết định chấp nhận Đông Dương Cộng sản Liên đoàn gia nhập Đảng Cộng sản Việt Nam.

          Cuộc vận động thành lập Đảng được hoàn thành vào tháng 10/1930, khi Hội nghị Trung ương lần thứ nhất được tiến hành, thông qua Luận cương chính trị và bầu Ban Chấp hành Trung ương chính thức do đồng chí Trần Phú làm Tổng Bí thư. Hội nghị cũng quyết định đổi tên Đảng Cộng sản Việt Nam thành Đảng Cộng sản Đông Dương. Sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam gắn liền vời tên tuổi của Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh, người có công sáng lập, lãnh đạo và rèn luyện Đảng ta./.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Cám ơn bạn đã quan tâm

Bài viết nổi bật

Tiếp đoàn khảo sát của Thành ủy về công tác chuẩn bị Đại hội đại biểu Đảng bộ quận nhiệm kỳ 2025 - 2030

Ngày 28/10/2024, đoàn khảo sát Thành ủy TPHCM có buổi làm việc với Ban Thường vụ Quận ủy quận Bình Thạnh về công tác chuẩn bị Đại hội đạ...

Bài viết phổ biến