• MH
Ngay sau khi Cách mạng tháng Tám thành công, ngày 23/11/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký sắc lệnh 65/SL, ấn định nhiệm vụ cho Đông phương Bác cổ học viện có nhiệm vụ bảo tồn tất cả các cổ vật trong toàn cõi Việt Nam. Sắc lệnh có một số nội dung cơ bản: Khẳng định việc bảo tồn di sản là một việc làm rất quan trọng và cần thiết cho công cuộc kiến thiết nước Việt Nam; cấm phá hủy những đình, chùa, đền, miếu hoặc nơi thờ tự khác, những cung điện, thành quách cùng lăng mộ chưa được bảo tồn. Cấm phá hủy những đồ vật, văn bản liên quan... Đây chính là tiền đề để Chính phủ quyết định chọn ngày 23/11 làm Ngày Di sản văn hóa Việt Nam.
Qua 75 năm ra đời sắc lệnh cho thấy quan điểm cơ bản, sâu sắc của Nhà nước ta đối với việc bảo vệ bảo tồn di sản văn hóa cho đến nay vẫn giữ nguyên ý nghĩa lý luận và thực tiễn về việc bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc. Xác định vai trò quan trọng của di sản văn hóa trong sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước, về tính kế thừa trong phát triển văn hóa, trách nhiệm của Nhà nước, xã hội và mỗi công dân trong việc bảo vệ di sản văn hóa...
Khách tham quan xem triển lãm ảnh. (Ảnh: HM) |
Riêng tại quận Bình Thạnh, công tác quản lý, bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa truyền thống được các cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận, đoàn thể quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo và thực hiện, giữ gìn những nét đẹp văn hóa truyền thống. Cũng như những năm trước, ngoài các lễ hội dân gian khác, năm nay quận tổ chức hoạt động kỷ niệm Ngày Di sản văn hóa Việt Nam (23/11), với nhiều hoạt động phong phú, đa dạng như: triển lãm ảnh “Kiến trúc Lăng Lê Văn Duyệt - Di sản văn hóa truyền thống”, biểu diễn nghệ thuật hát bội, đờn ca tài tử, gian hàng ẩm thực… tại Lăng Lê Văn Duyệt, thu hút đông đảo Nhân dân đến tham quan, chiêm bái. Cũng cần nói thêm lễ hội Khai hạ - Cầu an tại Lăng Đức tả quân Lê Văn Duyệt được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia. Đây là niềm tự hào của Nhân dân quận Bình Thạnh, góp phần thiết thực vào việc giữ gìn sự phong phú, đa dạng của kho tàng di sản văn hóa của Thành phố Hồ Chí Minh nói riêng và của toàn thể nước Việt Nam nói chung.
Lễ xây chầu đại bội và biểu diễn hát bội tại Lăng Lê Văn Duyệt. (Ảnh: HM) |
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Cám ơn bạn đã quan tâm