Thứ Ba, 22 tháng 10, 2024

Hội nghị phản biện dự thảo phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư dự án cải tạo rạch Xuyên Tâm

  Ngày 27/9/2024, Ủy ban MTTQ Việt Nam quận tổ chức hội nghị phản biện xã hội đối với dự thảo phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khi bị thu hồi đất để thực hiện dự án nạo vét, cải tạo, xây dựng hạ tầng kỹ thuật rạch Xuyên Tâm (gọi tắt là phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư). 

Tham dự có ông Đặng Văn Khoa, Ủy viên Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Chủ tịch Hội bảo vệ thiên nhiên và môi trường thành phố; các đồng chí Nguyễn Văn Cảnh, UVBTV Quận ủy, Trưởng Ban Dân vận; Nguyễn Thu Hương, UVBTV Quận ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam quận; Hồ Phương, QUV, Phó Chủ tịch UBND quận; đại diện lãnh đạo phòng ban chuyên môn UBND quận, các tổ chức chính trị - xã hội quận; Ban Thường trực, Ban Tư vấn, Tổ tư vấn về Dân chủ - Pháp luật, Văn hóa - Xã hội của Ủy ban MTTQ Việt Nam quận, phường; 70 đại biểu là Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam các Phường 2, 11, 12, 13, 15, 24, 26; các vị trí thức, chuyên gia trên lĩnh vực bồi thường giải phóng mặt bằng, văn hóa xã hội, thuế, quản lý đô thị, tài nguyên môi trường, quản lý dự án. 

Quang cảnh hội nghị. (Ảnh: TC)
Quang cảnh hội nghị. (Ảnh: TC)

Dự án cải tạo rạch Xuyên Tâm đi qua địa bàn 2 quận (Bình Thạnh và Gò Vấp). Trong đó, quận Bình Thạnh có quy mô thu hồi đất là 537.187,1m², với 2.077 trường hợp bị ảnh hưởng, trong đó 824 trường hợp giải tỏa một phần và 1.253 trường hợp giải tỏa toàn phần. 

Tại hội nghị, các đại biểu tập trung thảo luận, phát biểu đóng góp nhiều ý kiến về văn bản dự thảo trên như: cơ sở pháp lý xây dựng phương án; sự cần thiết ban hành phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; giá và căn cứ xây dựng giá đền bù, giá căn hộ tái định cư, vị trí căn hộ tái định cư; các chính sách hỗ trợ, vay vốn, giải quyết việc làm; thời gian tổ chức thực hiện phương án bồi thường... 

Ông Đỗ Phi Hùng, nguyên Phó Giám đốc Sở Xây dựng thành phố cho rằng việc ban hành phương án bồi thường, hỗ trợ tái định cư đối với dự án này là rất cần thiết. Tuy nhiên trong dự thảo có căn cứ 45 văn bản của các cấp, trong đó có 5 nghị định của Chính phủ được ban hành trước Luật Đất đai 2024. Đề nghị UBND quận chờ Chính phủ và UBND thành phố ban hành các văn bản thực hiện theo Luật Đất đai mới để bổ sung vào trong dự thảo. Ngoài ra, ông Hùng còn chỉ ra trong dự thảo có 21 nội dung ghi “chờ các văn bản, quy định, sẽ bổ sung sau”; điều này làm tính chuẩn mực, tính khoa học, rõ ràng của dự thảo chưa cao. Mặt khác, trong dự thảo đang áp dụng giá đất đền bù theo bảng giá đất của thành phố quy định từ năm 2020 nhưng bảng giá đất mới của thành phố sẽ có vào đầu năm 2025, bảng giá mới có thể sẽ cao hơn gấp nhiều lần so với hiện tại. Như vậy dự thảo này nếu ban hành trong năm 2024, thì đầu năm 2025 có phải điều chỉnh hay không? Việc này cần được cơ quan soạn thảo cân nhắc, làm rõ để bảo đảm quyền lợi người dân. 

Hay như ông Nguyễn Minh Hùng, thành viên Ban Tư vấn Dân chủ - Pháp luật của Ủy ban MTTQ Việt Nam quận cho rằng bảng giá đất đền bù, bảng giá căn hộ tái định cư còn sơ sài, chưa cụ thể; đặc biệt có trường hợp cùng tuyến đường cách nhau cây cầu nhưng phường này giá khác, phường kia giá khác. Đề xuất trong dự thảo nêu rõ phương pháp xây dựng giá đất đền bù. 

 Ông Phan Hữu Chính, Chủ tịch Hội Luật gia quận, bà Nguyễn Thị Bích Thủy, nguyên Chánh án Tòa án nhân dân quận cũng đề nghị trong dự thảo cần xem xét tính phần trượt giá bồi thường vì thực tế từ khi công bố chính sách đền bù đến khi nhận tiền, bàn giao mặt bằng mất nhiều tháng, có khi cả năm. Để hạn chế tình trạng khiếu nại thì yếu tố “trượt giá” nên đưa vào chính sách đền bù, tái định cư. 

Một số đại biểu là bí thư các chi bộ khu phố có ranh trong dự án cũng tham gia phản biện, đặc biệt là đề xuất giá đất tính đền bù trong dự thảo cần tăng thêm 25 - 30% so với dự thảo; giá bán căn hộ chung cư cho tái định cư cần giảm 10 - 15% so với dự thảo. Vì cho rằng mức giá trong dự thảo còn thấp nhiều so với thị trường. 

Đại biểu đóng góp ý kiến tại hội nghị phản biện xã hội. (Ảnh: T. Thật)
Đại biểu đóng góp ý kiến tại hội nghị phản biện xã hội. (Ảnh: T. Thật)

Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Hồ Phương, Phó Chủ tịch UBND quận thông tin trong phương án, quận có đặt hàng với một đơn vị tư nhân về xây dựng căn hộ tái định cư, quận sẽ ghi nhận các giải pháp liên kết với đơn vị này và các ngân hàng thương mại để có chính sách hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng vay vốn mua căn hộ tái định cư. Phó Chủ tịch UBND quận cũng tiếp thu và giao cơ quan tham mưu dự thảo phương án bổ sung vào phần cơ sở pháp lý các văn bản Quyết định 66/2024/QĐ-UBND của UBND thành phố ban hành quyết định ban hành bảng giá nhà ở, công trình, vật kiến trúc xây dựng mới phần xây dựng công trình trên địa bàn TPHCM và Quyết định 68/2024/QĐ-UBND của UBND thành phố ban hành quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi nhà nước thu hồi đất trên địa bàn TPHCM. Đồng thời ghi nhận các ý kiến của đại biểu, sẽ có điều chỉnh, bổ sung dự thảo phương án trong thời gian sớm nhất để đảm bảo tiến độ bàn giao đất thi công dự án vào tháng 4/2025.

 THÀNH THẬT

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Cám ơn bạn đã quan tâm

Bài viết nổi bật

Dâng hương kỷ niệm 79 năm Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam

  Ngày 27/8/2024, Quận ủy, Ủy ban nhân dân, Ủy ban MTTQ Việt Nam quận tổ chức lễ dâng hương, đặt vòng hoa tưởng nhớ công lao các anh hùn...

Bài viết phổ biến