Thứ Sáu, 10 tháng 1, 2025

DI TÍCH LỊCH SỬ QUỐC GIA LĂNG LÊ VĂN DUYỆT - Giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống qua lễ hội Khai hạ - Cầu an

Ban quý tế lăng Lê Văn Duyệt thực hiện nghi thức hạ nêu.
Ban quý tế lăng Lê Văn Duyệt thực hiện nghi thức hạ nêu.

 • ANH HOÀNG - HỒNG VÂN

Lễ hội là loại hình di sản văn hóa phi vật thể phản ánh rõ nét đời sống văn hóa tinh thần của người Việt. Trong đó hầu hết các lễ hội còn lưu giữ những phong tục, tập quán đặc trưng của từng vùng, miền. Việc huy động sự tham gia của cộng đồng vào công tác bảo tồn, phát huy giá trị của lễ hội truyền thống trong đời sống hiện đại mang ý nghĩa quan trọng, bởi đó là cách làm đúng đắn để bảo vệ mạch nguồn văn hóa truyền thống, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa, tinh thần của Nhân dân và góp phần thúc đẩy phát triển du lịch, kinh tế

Tại quận Bình Thạnh lễ Khai hạ - Cầu an là lễ hội mang nét văn hóa có tính đặc trưng riêng của vùng đất Sài Gòn - Gia Định xưa và Thành phố Hồ Chí Minh ngày nay. Trong ngày 30 tháng Chạp hàng năm, Ban quý tế lăng Lê Văn Duyệt tiến hành nghi thức xin phép Đức Thượng Công Tả Quân để tổ chức lễ thượng kỳ, trên lá cờ lễ có thêu 5 chữ “Gia Định Thành Tổng Trấn” được trang trọng kéo lên và tiến hành lễ dựng nêu là báo hiệu cho một mùa lễ hội sắp diễn ra. Dựng nêu để xua đuổi đi những điều xấu, điều không may trong năm cũ, đem lại sự bình an cho năm mới; nó là phong tục lâu đời thường được thực hiện ở các làng quê Việt Nam là tín hiệu báo hiệu Tết đến xuân về. Ở Thành phố Hồ Chí Minh hiện nay, có lẽ hình ảnh cây nêu chỉ thấy xuất hiện ở lăng Tả Quân Lê Văn Duyệt từ ngày 30 tháng Chạp đến sáng ngày mùng 7 tháng Giêng; trên ngọn cây nêu được treo các cặp liễn bằng vải đỏ với các câu chúc những điều tốt đẹp, cầu mong cho một năm mới thắng lợi.

Lãnh đạo thành phố, quận dâng hương  tại mộ Đức Thượng Công Tả Quân Lê Văn Duyệt.
Lãnh đạo thành phố, quận dâng hương tại mộ Đức Thượng Công Tả Quân Lê Văn Duyệt. 

Đêm 30 tại đây còn tổ chức lễ đón giao thừa, hái lộc đầu xuân, sau phút giao thừa, mọi người du xuân cầu cúng, xin lộc lấy may về nhà. Đến ngày mùng 7 tháng Giêng là ngày làm lễ hạ nêu và cũng là ngày các công sở mở cửa hoạt động lại bình thường sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán. Ngày mùng 7 còn gọi là lễ Khai hạ - Cầu an được tổ chức hàng năm tại lăng Tả Quân Lê Văn Duyệt. Lễ được thực hiện theo nghi thức Tiểu cung đình triều Nguyễn với những nghi lễ hạ nêu, khai bút - khai ấn, tế tiền hiền, hậu hiền, mời trầu, mời rượu, tặng khen lộc, xây chầu - đại bội. Các hoạt động này hàng năm đều được Ban quản lý, Ban quý tế di tích lăng Lê Văn Duyệt tổ chức rất trang trọng với sự tham dự của lãnh đạo thành phố, quận, các ban ngành đoàn thể cùng Nhân dân đến tham quan chiêm bái. Qua đó, cầu mong một năm mới với nhiều thắng lợi mới, hạnh phúc đến mọi người, mọi nhà. Đây là phong tục, nghi lễ độc đáo và là nét văn hóa đặc trưng riêng tại di tích lăng. Đây còn là dịp để ghi nhớ thời gian làm Tổng trấn Gia Định thành của Tả Quân Lê Văn Duyệt minh chứng rõ nét cho một giai đoạn cường thịnh và trù phú của vùng đất phía Nam, ngoài các công trình dân sinh quan trọng như việc đào kênh Vĩnh Tế ông còn tạo dựng một môi trường làm ăn buôn bán thông thoáng cởi mở, thu hút được nhiều quốc gia đến làm ăn buôn bán và đóng thuế xây dựng Gia Định thành ngày càng phát triển.

Đồng chí Vũ Ngọc Tuất, Bí thư Quận ủy  thực hiện nghi thức khai bút đầu năm.
Đồng chí Vũ Ngọc Tuất, Bí thư Quận ủy thực hiện nghi thức khai bút đầu năm.

 Lễ hội Khai hạ - Cầu an tại Di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia lăng Lê Văn Duyệt được Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia vào tháng 4/2022. Đây là hoạt động tín ngưỡng theo nghi thức truyền thống được duy trì tổ chức hàng năm với ý nghĩa cầu sự tốt lành cho một năm mới, kết thúc cuộc vui xuân tạ ơn trời đất, tổ tiên để trở lại công việc hàng ngày. Hằng năm, lễ hội đã thu hút hàng ngàn lượt khách đến tham quan, học tập, chiêm bái; đặc biệt hơn lễ hội này vẫn luôn được Nhân dân quan tâm, gìn giữ, trao truyền và phát huy những nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc Việt Nam. 

Ngoài lễ hội, tại đây còn tổ chức khai chầu đại bội phục vụ du khách đến tham quan thưởng ngoạn. Hoạt động này mang ý nghĩa cầu an, tôn kính trời đất để mong mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, Nhân dân được yên ổn làm ăn.

Năm qua, Sở Văn hóa và Thể thao TPHCM phối hợp Nhà hát Nghệ thuật Hát Bội TPHCM, Phòng Văn hóa và Thông tin quận, Ban quản lý lăng Lê Văn Duyệt tổ chức 24 buổi công diễn miễn phí tại lăng các tuồng: Ngọc quỳnh lân xuất thế, Thần nữ dâng ngũ linh kỳ, San hậu, Ngũ sắc châu và Đức Thượng công Lê Văn Duyệt… để giữ gìn và phát huy truyền thống nghệ thuật hát bội của dân tộc. Ngoài ra, Ban quản lý lăng Lê Văn Duyệt còn phối hợp với Nhà hát kịch IDECAF tổ chức biểu diễn vở kịch “Đức thượng công Tả Quân Lê Văn Duyệt - Người mang 9 án tử” của đạo diễn Hoàng Duẩn tại Nhà hát Thanh niên. Nội dung câu chuyện xoáy vào giai đoạn lịch sử năm 1820, Tả Quân Lê Văn Duyệt được vua Minh Mạng cử vào Gia Định làm Tổng trấn lần thứ 2. Bằng sự nghiêm minh, liêm khiết và tài năng thu phục lòng người, cùng với sự khảng khái của bậc công thần, không sợ uy quyền của cấp trên, một lòng một dạ chăm lo đời sống người dân, vì lợi ích người dân. Vở kịch tái hiện một phần cuộc đời của nhân vật được người dân gọi bằng tên cung kính “Đức Thượng Công”. Tác phẩm lấy bối cảnh khi Tả Quân Lê Văn Duyệt làm Tổng trấn Gia Định thành thời vua Minh Mạng. Ông có khát vọng biến vùng đất mới thành nơi trù phú, an vui, dân chúng ấm no và hạnh phúc.

Một cảnh trong vở kịch “Đức thượng công Tả Quân Lê Văn Duyệt  - Người mang 9 án tử”.
Một cảnh trong vở kịch “Đức thượng công Tả Quân Lê Văn Duyệt - Người mang 9 án tử”. 

 Ông Lê Văn Ngọc, Trưởng Ban quản lý lăng Lê Văn Duyệt cho biết: tại di tích lăng Lê Văn Duyệt hằng ngày đều mở cửa để các cơ quan, đơn vị và Nhân dân đến chiêm bái tham quan học tập. Bên cạnh đó, còn tổ chức cúng các ngày lễ truyền thống để duy trì tín ngưỡng dân gian. 

Có thể nói, việc bảo tồn, duy trì phát triển những giá trị, nét đẹp văn hóa mà lễ hội mang lại là truyền thống “Uống nước, nhớ nguồn”, góp phần bồi đắp cho con người lòng nhân ái, biết yêu thương nhau, trọng hiếu nghĩa, bảo tồn, giữ gìn bản sắc dân tộc, là cốt lõi về giá trị đạo đức hướng con người đến chân - thiện - mỹ. Vì vậy, chúng ta phải xem các lễ hội như một kho tàng di sản văn hóa quý giá đối với mỗi người dân. Đến với lễ hội bằng tấm lòng thành kính, tưởng nhớ công đức của các bậc tiền nhân đã có công xây dựng và bảo vệ quê hương, đất nước. Đó là nét đẹp văn hóa truyền thống vốn có trong lễ hội cần được gìn giữ và phát huy.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Cám ơn bạn đã quan tâm

Bài viết nổi bật

Đại hội Câu lạc bộ Truyền thống kháng chiến quận lần thứ III, nhiệm kỳ 2024 - 2029

 Ngày 29/11/2024, Câu lạc bộ Truyền thống kháng chiến quận tổ chức Đại hội lần thứ III, nhiệm kỳ 2024 - 2029.  Tham dự có các anh hùng lự...

Bài viết phổ biến