Thứ Sáu, 1 tháng 4, 2022

Vùng đất và con người Bình Thạnh

 • MINH THƯ

Vùng đất Bình Thạnh ngày nay, trước đây là Bình Hòa - Thạnh Mỹ Tây, từ thuở khai hoang lập ấp cho đến ngày đất nước thống nhất, kinh tế chủ yếu của cư dân là nông nghiệp lúa nước cùng với chăn nuôi và đánh bắt cá, chỉ có một số cơ sở công nghiệp nhỏ. Bởi, dân tộc Việt Nam ta đi lên chính từ nền văn minh lúa nước và truyền thống đấu tranh chống ngoại xâm. Trong quá trình khai hoang đầy gian khổ nhưng nặng tình đất, sâu tình người này, cha ông chúng ta đã cần cù lao động sáng tạo và chiến đấu anh dũng, đã đổ biết bao mồ hôi, xương máu để gầy dựng nên cơ đồ rực rỡ như ngày nay.

Vì thế, mỗi chúng ta luôn ghi lòng, tạc dạ, cùng ra sức tiếp tục chiến đấu, lao động và học tập, phát huy, bảo tồn những giá trị vật chất, tinh thần cao quý để lưu truyền lại cho muôn đời sau....

 Tổ chức hành chính

Nhà Bè nước chảy chia hai

Ai về Gia Định, Đồng Nai thì về

Câu ca dao xưa gợi nhớ về vùng đất Gia Định rộng lớn, sông nước mênh mông, có vị trí chiến lược nhiều mặt. Ngược dòng lịch sử, địa danh Gia Định thường được gọi kèm với Đồng Nai để chỉ toàn vùng Nam bộ.

Tìm lại dấu vết xưa, theo sách “Gia Định thành thông chí” của Trịnh Hoài Đức, tháng 02 năm Mậu Dần (1698), chúa Nguyễn lệnh cho Thống suất Nguyễn Hữu Cảnh vào kinh lý phía Nam và thành lập phủ Gia Định. Lúc này, vùng đất phía Nam dân cư thưa thớt, đất đai còn hoang vu.

Năm Canh Thân (1800), vua Gia Long đổi Gia Định phủ làm Gia Định trấn. Trên địa bàn Bình Thạnh ngày nay đã có các thôn: Phú Mỹ, Bình Quới, Thạnh Đa, Bình Hòa và Thới Hòa.[1]

Do địa thế Gia Định rộng lớn, Gia Định trấn được đổi làm Gia Định thành, dinh Phiên Trấn đổi làm trấn Phiên An (năm 1808), tỉnh Phiên An (năm 1832). Các thôn Thạnh Đa, Phú Mỹ, Bình Quới, Thới Hòa và Bình Hòa nằm trong tổng Bình Trị - huyện Bình Dương - Phủ Tân Bình - Tỉnh Phiên An.




[1]    Căn cứ vào danh sách các thôn ghi trong Gia Định thành thông chí của Trịnh Hoài Đức (1765 - 1825).

Tòa bố Gia Định...
Tòa bố Gia Định...

....nay là trụ sở UBND quận
....nay là trụ sở UBND quận

Sau khi chiếm được toàn bộ Nam Kỳ, năm 1876, chính quyền thực dân Pháp bãi bỏ các đơn vị hành chính phủ, huyện, phân chia lại toàn bộ cõi Nam Kỳ; nhiều lần thay đổi tên gọi từ hạt tham biện (Inspestion) thành địa hạt (Arrondissement). Các thôn đổi thành làng thuộc hạt Sài Gòn. Tòa tham biện hạt Sài Gòn đặt ở làng Bình Hòa, tại vị trí ngày nay là trụ sở Ủy ban nhân dân quận Bình Thạnh.

Theo Nghị định ngày 20 tháng 12 năm 1899 của Toàn quyền Đông Dương tất cả các hạt tham biện đổi thành tỉnh thì từ ngày 01 tháng 01 năm 1900 hạt tham biện Gia Định trở thành tỉnh Gia Định gồm 4 quận: Thủ Đức, Nhà Bè, Gò Vấp và Hóc Môn. Vùng đất Bình Thạnh ngày nay gồm các làng Bình Hòa Xã, Bình Lợi Trung, Bình Quới Tây, Thạnh Đa thuộc tổng Bình Trị Thượng; các làng Phú Mỹ, Phú An thuộc tổng Bình Trị Trung.

Năm 1940, chính quyền thuộc địa Nam Kỳ lập ra cấp quận. Vùng đất 2 xã Bình Hòa và Thạnh Mỹ Tây vẫn được giữ lại tên gọi và địa bàn; các làng Thạnh Đa, Phú Mỹ, Phú An nhập thành một làng lấy tên mới là Thạnh Mỹ An đều thuộc tổng Bình Trị Thượng quận Gò Vấp.

Sau Hiệp định Genève, chính quyền Sài Gòn thực hiện một cuộc cải cách toàn diện về mặt hành chính. Các làng gọi là xã. Xã Bình Hòa và xã Thạnh Mỹ Tây thuộc quận Gò Vấp, tỉnh Gia Định. Quận lỵ Gò Vấp đặt tại xã Hạnh Thông Xã. Xã Bình Hòa tiếp tục giữ vai trò là tỉnh lỵ tỉnh Gia Định. Cấp hành chính dưới xã là ấp. Xã Bình Hòa gồm 10 ấp đều mang địa danh “Bác Ái” và đánh số kèm theo từ Bác Ái 1 đến Bác Ái 10; xã Thạnh Mỹ Tây gồm 10 ấp đều mang địa danh “Nhất Trí” cũng được đánh số từ Nhất Trí 1 đến Nhất Trí 10. Tổ chức hành chính này tồn tại cho đến ngày 30 tháng 4 năm 1975.

Đối với cách mạng, từ năm 1945, tùy theo yêu cầu phát triển của phong trào cách mạng trong từng thời điểm, vùng đất Bình Thạnh ngày nay có nhiều lần tách nhập.

Trong giai đoạn kháng chiến chống Pháp, để lãnh đạo cơ sở kháng chiến và tiện việc thống nhất chỉ huy, Thành ủy Sài Gòn - Chợ Lớn, tổ chức đơn vị hành chính các xã được gọi là hộ (quartier). Xã Thạnh Mỹ Tây trở thành Hộ 19, xã Bình Hòa thành Hộ 20.

Thực hiện quyết định của Trung ương Cục miền Nam, tháng 6 năm 1951, tỉnh Gia Định Ninh thành lập trên cơ sở sáp nhập hai tỉnh Gia Định, Tây Ninh, có thêm huyện Đức Hòa, Trung Huyện, khu Đông Thành của tỉnh Chợ Lớn cũ[1]. Hộ 19 (Thạnh Mỹ Tây) và Hộ 20 (Bình Hoà) thuộc huyện Gò Vấp, tỉnh Gia Ninh.

Sau hội nghị Bình Giã 1 năm 1968, triển khai Nghị quyết của Thành ủy Sài Gòn - Gia Định, xã Bình Hòa, xã Thạnh Mỹ Tây thuộc Liên quận 4 cùng với xã Phú Nhuận, xã Hạnh Thông.

Năm 1973, tổ chức Đảng ở Bình Hòa - Thạnh Mỹ Tây vẫn bao gồm Đảng bộ Bình Hòa (K42) và Đảng bộ Thạnh Mỹ Tây (K43) nằm trong Liên quận 4.

Sau ngày giải phóng miền Nam, tháng 5 năm 1975, xã Bình Hòa đổi thành quận Bình Hòa, xã Thạnh Mỹ Tây đổi thành quận Thạnh Mỹ Tây.

Ngày 04 tháng 5 năm 1976, Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh ra Chỉ thị 01-CT/TC-76 về việc sát nhập quận và điều chỉnh, thành phố còn 3 cấp: thành, quận, cơ sở. Hai quận Bình Hòa và Thạnh Mỹ Tây nhập lại làm một lấy tên là quận Bình Thạnh cho đến ngày nay.

Có thể nói rằng: Lịch sử địa lý hành chính của vùng đất Bình Thạnh ngày nay gắn liền với quá trình hình thành và phát triển của lịch sử địa lý hành chính Sài Gòn - Gia Định - Thành phố Hồ Chí Minh.

*****



[1] Ban Chấp hành Đảng bộ Đảng Cộng sản Việt Nam Thành phố Hồ Chí Minh: Lịch sử Đảng bộ Đảng Cộng sản Việt Nam Thành Phố Hồ Chí Minh, (1930 - 1975), Nxb Chính trị Quốc gia, 2014, tr.481.


Lễ ra mắt UBNDCM quận Bình Thạnh (Tháng 6/1976)
Lễ ra mắt UBNDCM quận Bình Thạnh (Tháng 6/1976)

Bình Thạnh - Cửa ngõ phía Đông Bắc thành phố

Là một quận thuộc Thành phố Hồ Chí Minh, có lịch sử gắn liền với lịch sử Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Thạnh có tất cả những đặc điểm chung về điều kiện địa lý tự nhiên, địa lý nhân văn, về những đặc điểm kinh tế, chính trị, văn hóa xã hội của thành phố trong suốt hơn 300 năm qua. Tuy nhiên, xét ở bình diện một quận độc lập nằm gắn liền với Sài Gòn mạn đông bắc, Bình Thạnh có những nét riêng dễ thấy.

Dân cư

Ngay từ thế kỷ XVII, Bình Thạnh là một trong những khu vực sớm quy tụ dân cư đến sinh cơ lập nghiệp trong buổi đầu khai phá vùng đất phương Nam. Đó là những lưu dân từ miền Bắc, miền Trung do không cam chịu sự thống trị hà khắc của phong kiến triều Trịnh - Nguyễn phân tranh loạn lạc nên đã đến vùng đất này để sinh cơ, lập nghiệp; lập ra những thôn ấp và nông trại.

Dưới thời thực dân Pháp chiếm đóng, lại có thêm nhiều thành phần dân cư từ các miền của đất nước vào làm công nhân đồn điền cho tư bản thực dân Pháp ở miền Nam; là những người dân miền Bắc bỏ làng ra đi khi nạn mất mùa đói kém xảy ra, do chiến tranh thế giới lần thứ 2 bùng nổ và lan sang châu Á (1943 - 1945).

Sau năm 1954, do ảnh hưởng của cuộc chiến tranh chống thực dân đế quốc xâm lược, một bộ phận dân cư từ các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, miền Đông Nam Bộ và cả ở miền Trung, miền Bắc Việt Nam di cư. Bên cạnh đó, những người nghèo không chịu nổi cuộc sống đắt đỏ ở Sài Gòn cũng tìm ra Bình Hòa - Thạnh Mỹ Tây tìm kế sinh nhai và định cư luôn ở đây.

Mật độ dân cư ở các vùng Bà Chiểu, Thị Nghè, Bình Hòa ngày càng đông hơn, đồng thời những khu dân cư mới dọc theo các trục lộ giao thông cũng được hình thành như: Xóm Gà, Cầu Sơn… Bên cạnh đại bộ phận nông dân thì ở Bình Hòa - Thạnh Mỹ Tây còn có những công chức cấp thấp, thợ thuyền… bán sức lao động trong các hãng xưởng của chủ người Pháp, người Hoa và cả người Việt ở Sài Gòn - Gia Định.

Với quá trình hình thành, phát triển hơn 3 thế kỷ, trên vùng đất Bình Thạnh ngày nay, cư dân Bình Hòa - Thạnh Mỹ Tây không đơn thuần là tầng lớp thị dân mà gồm nhiều thành phần khác nhau: nông dân (làm ruộng rẫy, chăn nuôi, trồng cây ăn trái), ngư dân (làm nghề chài lưới ven sông), thợ thủ công, buôn bán nhỏ và công nhân (làm ở các cơ sở công nghiệp lớn trong thành phố và các đồn điền cao su ở ngoại thành). Mặt khác, nhiều dân tộc khác nhau cùng hội tụ về sinh sống, lập nghiệp, trong đó chiếm đa số là người Kinh, người Hoa, Khmer và Chăm. Theo kết quả tổng điều tra dân số năm 2019, trong tổng số 499.164 dân ở Bình Thạnh, người Kinh chiếm 98,73%; dân tộc khác chiếm 1,27%[1].

Có thể nói, sự có mặt của mọi tầng lớp Nhân dân ở Bình Hòa - Thạnh Mỹ Tây trong các phong trào đấu tranh yêu nước diễn ra từ nửa đầu thế kỷ XIX cho đến đầu thế kỷ XX đã tạo cơ sở xã hội cho phong trào đấu tranh cách mạng ở Bình Hòa - Thạnh Mỹ Tây sau này dưới sự lãnh đạo của Đảng từ những năm 1930 đến ngày giải phóng miền Nam thống nhất đất nước năm 1975 trên tất cả các lĩnh vực, các đối tượng tham gia khác nhau với muôn vàn hình thức đấu tranh hết sức phong phú, sinh động.



[1]    Kết quả Tổng điều tra dân số và nhà ở ngày 01 tháng 4 năm 2019 của quận Bình Thạnh.


Nông dân vùng ven Bình Thạnh làm thủy lợi đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp
Nông dân vùng ven Bình Thạnh làm thủy lợi đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp

Kinh tế

Từ thuở khai hoang lập ấp cho đến khi nhà Nguyễn trực tiếp cai quản, nông nghiệp lúa nước là ngành kinh tế chủ yếu của cư dân Bình Hoà - Thạnh Mỹ Tây, bên cạnh chăn nuôi và đánh cá.

Dưới thời Pháp thuộc, Bình Hòa - Thạnh Mỹ Tây vẫn là vùng đất rộng, thưa dân. Đất đai nằm trong tay bọn thực dân với những vườn cao su ngút ngàn của các chủ đồn điền người Pháp (từ đầu đường Nguyễn Thiện Thuật ra tới đường Bạch Đằng và từ ngã năm Bình Hòa đến cầu Băng Ky ngày nay). Nông nghiệp vẫn là ngành kinh tế chủ đạo. Nhưng do ở vị trí địa lý thuận lợi có nhiều đường giao thông thủy bộ quan trọng lại là trung tâm tỉnh lỵ Gia Định nên thủ công nghiệp, thương nghiệp có điều kiện phát triển và mở rộng cùng một số cơ sở công nghiệp nhỏ.

Sau năm 1954, Bình Thạnh không chỉ là một vùng ven đô mà được xem là vành đai đỏ bảo vệ cho các cơ quan đầu não của chính quyền thực dân đế quốc ở trung tâm thành phố.

Nằm án ngữ trên toàn bộ hành lang nối Sài Gòn đến các tỉnh ở mạn đông, đông bắc với các đầu cầu Thị Nghè, Hàng Xanh, Cầu Sơn, Bình Lợi, Bình Triệu, cầu Sài Gòn; các tuyến đường giao thông huyết mạch Quốc lộ 1, Quốc lộ 13; Bình Hòa - Thạnh Mỹ Tây giữ một vị trí có ý nghĩa quân sự quan trọng. Vùng Bà Chiểu của quận Bình Thạnh ngày nay trở thành nơi tập trung của các cơ quan đầu não hành chính, quân sự của tỉnh Gia Định[1].



[1]     Tiểu khu Gia Định, trại thủy quân lục chiến Nguyễn Văn Nho, ty cảnh sát Hàng Keo, Trung tâm chiêu hồi trung ương, Trung tâm thẩm vấn Băng Ky, trại quân cảnh Tân Cảng...


Le Jardin de Gia Dinh
Le Jardin de Gia Dinh

...nay là khu thương mại Hồng Bàng
...nay là khu thương mại Hồng Bàng

Thập niên 1960, quá trình đô thị hóa ở Bình Hòa - Thạnh Mỹ Tây diễn ra mạnh mẽ. Những cánh đồng ruộng mênh mông, những khu đất sình lầy, ngập nước dần dần được lấp để làm nơi cư trú hoặc biến thành ruộng vườn. Hoạt động kinh tế của cư dân Bình Hòa - Thạnh Mỹ Tây chuyển mình dần từ nông nghiệp sang các ngành thương mại, tiểu thủ công nghiệp, kỹ nghệ, dịch vụ…

Bước vào thập niên 70, các nhà tư bản trong và ngoài nước đã có đầu tư, nhất là lĩnh vực công nghiệp[1]. Vì thế, trong 5 năm trước giải phóng, sản xuất công nghiệp tăng lên đáng kể. Nông nghiệp tụt hậu do đất đai bị thu hẹp để xây dựng nhà cửa và thương nghiệp phát triển tăng vọt nhằm phục vụ cho một số lượng đông dân cư do quá trình đô thị hóa và quân sự hóa cưỡng chế.

Nhìn chung, trước năm 1975, trong tương quan với Thành phố Sài Gòn, Bình Thạnh chỉ là một quận vùng ven, có cấu trúc nửa đô thị, nửa nông thôn. Cấu trúc nửa đô thị nửa nông thôn này làm cho Bình Thạnh vừa có kinh tế công nghiệp, vừa có kinh tế nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ thương mại, trong đó nông nghiệp chiếm một vị trí đáng kể.

Văn hóa - xã hội

Bình Thạnh là một trong những khu vực có người cư trú khá cổ xưa của thành phố, nơi quy tụ của nhiều lớp cư dân qua các thời kỳ lịch sử hình thành Thành phố Hồ Chí Minh ngày nay. Ở Bình Thạnh, cho đến nay, hầu như có mặt nhiều người từ Bắc, Trung, Nam, nhiều dân tộc đến sinh sống lập nghiệp. Chính vì vậy mà các hoạt động văn hóa vừa phong phú vừa đa dạng. Những lớp dân cư xưa của Bình Thạnh đã đến đây khai phá, sinh nhai, trong hành trang của mình, văn hóa như một nhu cầu quan trọng để sống và tồn tại. Mặt khác, trong buổi đầu chinh phục vùng đất Bình Thạnh hôm nay, những người Bình Thạnh xưa đã phải chống chọi với bao nổi gian nguy, khắc nghiệt của thiên nhiên, phong tục tập quán, tín ngưỡng, tôn giáo, sinh hoạt văn hóa đã trở nên chỗ dựa cần thiết.

Từ khá sớm, các cơ sở văn hóa được thành lập trên địa bàn quận Bình Thạnh: trường tỉnh học Gia Định được dựng lên vào năm Minh Mạng thứ 5 (1824) ở địa phận thôn Phú Mỹ; Văn Miếu (đền Văn Thánh) được dựng vào năm 1832 cũng ở xã Phú Mỹ để thờ Khổng Tử… Điều đó đã tạo điều kiện để người dân ở vùng đất này giữ gìn truyền thống hiếu học của cha ông ta trên vùng đất mới.



[1]    Nhiều hãng xưởng, xí nghiệp tập trung ở khu Bình Lợi (Phường 13): hãng dệt Nam Á (Liên hiệp dệt Hồng Gấm), hãng SOGAMEN (Xí nghiệp may Bình Minh), hãng Sơn Bạch Tuyết, hãng dệt mền len - SAKYMEN (Xí nghiệp dệt chăn Bình Lợi), hãng Sài Gòn kỹ nghệ súc sản (VISSAN), hãng gạch bông Đức Tân,…


Trường École Marc Ferrando
Trường École Marc Ferrando

....nay là Trường Tiểu học Nguyễn Đình Chiểu
....nay là Trường Tiểu học Nguyễn Đình Chiểu

Bình Thạnh ngày nay vẫn còn di tích những cơ sở tín ngưỡng tôn giáo đã được xây dựng từ rất sớm như: chùa Sắc Tứ Tập Phước (cuối thế kỷ XVIII), Nhà thờ Thị Nghè (giữa thế kỷ XVIII), Đình Bình Hòa (đầu thế kỷ XIX)... Theo kết quả tổng điều tra dân số năm 2019 thì 31,54% dân số của quận theo đạo, trong đó 20,25% dân số của quận là tín đồ Phật giáo, 10,45% dân số là tín đồ Thiên Chúa giáo. Song, dù có hay không theo tôn giáo nào, hầu hết các gia đình đều lập bàn thờ ông bà, tổ tiên ở nơi trang trọng nhất trong nhà. Đó là truyền thống “uống nước nhớ nguồn” của dân tộc Việt Nam mà lưu dân đến Bình Thạnh luôn giữ gìn và phát huy suốt hơn 300 năm qua.

*****

Nhân dân Bình Hòa - Thạnh Mỹ Tây có truyền thống đấu tranh cách mạng mạnh mẽ, xuyên suốt lịch sử hơn 300 năm của vùng đất Gia Định. Đó là tinh thần yêu nước, cách mạng, đoàn kết, dũng cảm, kiên cường, dưới sự lãnh đạo của Đảng đã đấu tranh quyết liệt, liên tiếp giành hết thắng lợi này đến thắng lợi khác, tích lũy lực lượng và kinh nghiệm, tiến tới khởi nghĩa giành chính quyền năm 1945. Nếu Cầu Sơn, Bình Hòa, Lăng Ông, Bà Chiểu, Thị Nghè là sự minh chứng cho một thời khai phá vẻ vang của thế kỷ XVIII, XIX thì mặt trận Thị Nghè, Cầu Bông, Đồng Ông Cộ,… gắn liền với những chiến công oanh liệt của Nhân dân Bình Thạnh trong thế kỷ XX hào hùng. Chính Bình Thạnh là nơi diễn ra những trận chiến đấu hết sức ác liệt ngay từ những ngày đầu kháng chiến chống thực dân Pháp cũng như trong những ngày cuối cùng đập tan sự chống trả ngoan cố của lực lượng phòng vệ Sài Gòn, tiến vào đánh chiếm dinh “Độc lập”, giải phóng Sài Gòn - Gia Định, giải phóng hoàn toàn miền Nam ngày 30 tháng 4 năm 1975 lịch sử.

45 năm trôi qua kể từ mùa Xuân lịch sử năm 1975, người dân Bình Thạnh với quyết tâm, lòng nhiệt tình, xen lẫn niềm tự hào là người dân của mảnh đất Gia Định anh hùng không ngừng vượt qua mọi thử thách, đem trọn tài năng, sức lực và tình cảm của mình góp phần xây dựng và phát triển quê hương Bình Thạnh ngày càng giàu mạnh./.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Gia Định thành thông chí của Trịnh Hoài Đức (1765 - 1825).

2. Lịch sử Đảng bộ Đảng Cộng sản Việt Nam Thành phố Hồ Chí Minh, (1930 - 1975), Nxb Chính trị Quốc gia, 2014.

3. Lịch sử truyền thống của Đảng bộ và Nhân dân quận Bình Thạnh (1930 - 2015), Nxb Tổng hợp TP.HCM, 2021.


Chợ Bà Chiểu năm 1960
Chợ Bà Chiểu năm 1960

Chợ Bà Chiểu ngày nay
Chợ Bà Chiểu ngày nay

Địa chỉ đỏ - Đình Cầu Sơn, một điểm Về nguồn

                    • MINH HOÀNG

           Trong quá trình chiến đấu chống kẻ thù xâm lược, nhiều thế hệ người dân Bình Hòa - Thạnh Mỹ Tây đã tạo nên những trang sử vẻ vang và chiến tích oai hùng. Đặc biệt, trong sự nghiệp kháng chiến chống thực dân, đế quốc đã có những ngôi nhà, mái đình trở thành chiến lũy, pháo đài chng giặc và được công nhận là “Địa ch đỏ”. Trong số hằng trăm “Địa chỉ đỏ” được công nhận trên địa bàn quận Bình Thạnh có ngôi đình Cầu Sơn.

Ngược dòng thời gian, hơn ba trăm năm trước, vùng đất mang địa danh Cầu Sơn nằm cạnh sông Sài Gòn, giao thông đường thủy thuận lợi nên các lưu dân miền ngoài vào đã chọn nơi đây làm nơi an cư, khẩn hoang lập ấp, xây dựng đình làm nơi thờ thành hoàng và làm địa điểm sinh hoạt làng xã. Dưới thời thực dân Pháp cai trị, nơi ngôi đình tọa lạc có vị trí quan trọng nên chúng chiếm giữ để xây dựng kho xăng dầu. Vì thế vào năm 1936, cư dân quyết định dời ngôi đình Cầu Sơn (còn gọi là Đình Cây Dương) về địa điểm mới, tại vị trí hiện nay (số 281/1 đường viết Nghệ Tĩnh, Phường 26) trong một khuôn viên rộng hơn 200m2.

Đình Cầu Sơn không chỉ là cơ sở văn hóa, tín ngưỡng của cư dân Thạnh Mỹ Tây xưa và Bình Thạnh ngày nay mà còn là một di tích cách mạng, biểu trưng cho tinh thần yêu nước của cư dân nơi đây.


Đình Cầu Sơn
Đình Cầu Sơn

Trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, ngôi đình Cầu Sơn có nhiều đóng góp cho cách mạng. Tháng Tám năm 1945, trước ngày tổng khởi nghĩa, tổ chức Thanh niên Tiền phong được ra đời tại đây và cũng là nơi đóng sở chỉ huy của Đội Thanh niên Tiền phong vùng Thị Nghè đặt dưới sự chỉ huy trực tiếp của thủ lĩnh Nguyễn Bân - Thư ký hãng mỡ Guyonnet. Tổ chức Thanh niên Tiền phong đã thu hút sự tham gia của đông đảo các tầng lớp Nhân dân Bình Hòa - Thạnh Mỹ Tây đứng lên khởi nghĩa giành chính quyền thắng lợi. Khi thực dân Pháp quay lại xâm lược nước ta, mặt trận cầu Thị Nghè được thành lập và đình Cầu Sơn cũng được chọn làm sở chỉ huy và kho hậu cần tiếp tế cho lực lượng kháng chiến. Các đội viên Thanh niên Tiền phong với vũ khí thô sơ sát cánh cùng với Nhân dân chiến đấu anh dũng ngoan cường, tiêu diệt hàng trăm tên xâm lược, đẩy lùi nhiều đợt tiến công của quân giặc. Cũng chính từ sức kháng cự mãnh liệt của mặt trận Thị Nghè đã làm thất bại âm mưu đánh nhanh thắng nhanh của địch, tạo điều kiện cho các nơi khác có thời gian chuẩn bị bước vào cuộc kháng chiến lâu dài. Trong những năm kháng chiến chống Pháp, đình Cầu Sơn còn là nơi bí mật đưa đón thanh niên thoát ly gia đình ra vùng căn cứ kháng chiến và là địa điểm tập kết của Phân đội 15, Chi đội 6 xuất phát làm nhiệm vụ diệt tề, trừ gian trên địa bàn Bình Hòa - Thạnh Mỹ Tây.

Bước vào giai đoạn kháng chiến chống đế quốc Mỹ, đình Cầu Sơn tiếp tục là nơi nuôi giấu cán bộ, đặc biệt trong đợt I và II tổng tiến công nổi dậy xuân Mậu Thân 1968, đình Cầu Sơn là địa điểm tập kết và ém quân, nơi chứa lương thực, cứu chữa thương binh. Nổi bật là các trận đánh ở Thị Nghè, cầu Băng Ky, đồng Ông Cộ Đặc biệt, trong chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử tháng 4/1975, đình Cầu Sơn là nơi phân phát vải may cờ Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam và cũng nơi cắm cờ sớm nhất để đón chào quân giải phóng tiến vào tiếp quản thành phố. Những ngày đầu giải phóng ngôi đình là địa điểm thu gom vũ khí, tổ chức đăng ký cho sĩ quan, binh lính chế độ cũ trình diện trước khi về với gia đình. Trước đây, ngôi đình có lưu giữ các hiện vật liên quan đến cuộc kháng chiến và hiện nay được chuyển về trưng bày tại Nhà truyền thống quận.

Từ những đóng góp có giá trị nổi bật vừa nêu, ngôi đình được UBND Thành phố Hồ Chí Minh công nhận là di tích lịch sử cấp thành phố theo Quyết định số 117/2005/QĐ-UBND ngày 12 tháng 7 năm 2005. Suốt nhiều năm qua, đình Cầu Sơn là nơi về nguồn của các thế hệ trẻ. Đồng thời cũng là nơi đông đảo du khách trong, ngoài nước đến tham quan, tìm hiểu một giai đoạn lịch sử cách mạng của Nhân dân vùng đất Bình Thạnh ngày nay dưới sự lãnh đạo của Đảng đã có những hy sinh, đóng góp vào sự nghiệp chung của đất nước.𐄂


Lãnh đạo quận trong một dịp thăm viếng đình Cầu Sơn
Lãnh đạo quận trong một dịp thăm viếng đình Cầu Sơn

Bình Thạnh - 45 năm xây dựng và phát triển

           • PHÚC AN   

   Qua quá trình 45 năm xây dựng và phát triển, cơ cấu kinh tế tại quận Bình Thạnh có sự chuyển dịch, thay đổi đáng kể; nhanh chóng khôi phục, cải tạo và xây dựng kinh tế theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Với vị trí địa lý thuận lợi, có nhiều đường giao thông thủy bộ nên thủ công nghiệp, thương nghiệp có cơ hội phát triển tốt. Nông nghiệp đã lùi về vị trí thứ yếu và đến nay chỉ chiếm một tỷ trọng rất nhỏ. Kinh tế công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, thương mại - dịch vụ - du lịch trở thành ngành kinh tế chủ yếu, thúc đẩy quá trình đô thị hóa nhanh chóng, làm thay đổi diện mạo kinh tế - văn hóa xã hội của quận nhà một cách đáng tự hào.

Hiện na trên địa bàn quận Bình Thạnh đã hình thành nhiều khu đô thị, thương mại, dịch vụ như Bình Thạnh City Garden, Vinhomes  Central Park, đặc biệt có tòa tháp The Landmark 81 không chỉ cao nhất Việt Nam, mà còn cao nhất Đông Nam Á vào thời điểm năm 2018.... 

 Quận Bình Thạnh có diện tích tự nhiên 2.078,6 ha, tổ chức thành 20 phường với dân số hiện nay là 499.164 người (theo kết quả Tổng điều tra dân số ngày 01 tháng 4 năm 2019).

Đến Bình Thạnh hôm nay, khách tham quan sẽ dễ nhận ra sự đổi thay của một quận từng là vùng ven với diện tích đất nông nghiệp chiếm gần 44% (900 ha) và 15,3% diện tích đất ao hồ sông rạch nay đã chuyển mình thành vùng đô thị tấp nập sầm uất, diện tích đất nông nghiệp chỉ còn 12,6% (262,9 ha).

Trước đây, nói đến Bình Thạnh là nói đến lăng Tả quân Lê văn Duyệt, chợ Thị Nghè, ngã tư Hàng Xanh, đồng Ông Cộ… với khu vực Bà Chiểu là trung tâm tỉnh lỵ Gia Định. Ngày nay, Bình Thạnh được biết đến với nhiều công trình nhà ở cao tầng như: khu nhà ở Sài Gòn Pearl, khu phức hợp Tân Cảng Sài Gòn (Vinhomes Central Park), dự án khu nhà ở Richmond City…; là bán đảo Thanh Đa với khu du lịch Bình Quới nổi tiếng góp phần thay đổi diện mạo của quận.

Trong 45 năm xây dựng và phát triển kể từ sau ngày 30 tháng 4 năm 1975, tuy trải qua những bước thăng trầm nhưng quận Bình Thạnh đã từng bước đi lên vững chắc bắt nguồn từ những Nghị quyết quan trọng của quận Đảng bộ qua 12 kỳ Đại hội. Trong mỗi giai đoạn, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân quận Bình Thạnh đã quán triệt, vận dụng sáng tạo đường lối của Trung ương và Thành phố vào hoàn cảnh, điều kiện cụ thể của quận; nỗ lực lao động, chiến đấu, xây dựng và bảo vệ địa phương để đạt được những thành tựu to lớn, tạo ra những biến đổi sâu sắc về cảnh quan đô thị và đời sống kinh tế - xã hội của quận Bình Thạnh như ngày hôm nay.


Bản đồ hành chính quận Bình Thạnh năm 2015 (gồm 20 phường)
Bản đồ hành chính quận Bình Thạnh năm 2015 (gồm 20 phường)


Từ sau ngày 30 tháng 4 năm 1975, trong niềm vui được sống trong không khí hòa bình, đất nước thống nhất, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân quận Bình Thạnh hăng hái bắt tay ngay vào công cuộc hàn gắn vết thương chiến tranh; khôi phục, cải tạo, xây dựng và phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội. Tuy nhiên, những hậu quả của chiến tranh vẫn còn nặng nề trên các mặt kinh tế, xã hội, văn hóa - tư tưởng: 84.000 người/123.000 người trong độ tuổi lao động bị thất nghiệp; nạn mại dâm, ma túy, trộm cắp vẫn tồn tại; tàn dư tư tưởng văn hóa thực dân mới còn ảnh hưởng nặng trong một bộ phận Nhân dân, nhất là trong thanh niên. Cơ sở hạ tầng, cơ sở kinh tế hết sức nghèo nàn, thương mại chỉ là tiểu thương, quy mô không lớn, vốn liếng không dồi dào. Các thế lực phản động vẫn không ngừng phá hoại, một số ngụy quân - ngụy quyền chưa chịu ra cải tạo.


Nhân dân đào kênh phục vụ nhu cầu phát triển nông nghiệp
Nhân dân đào kênh phục vụ nhu cầu phát triển nông nghiệp

            Trong bối cảnh đó dưới sự lãnh đạo của Ban Chấp hành Đảng bộ quận, chính quyền cách mạng ở cơ sở đã sớm được thành lập để quản lý mọi mặt của đời sống xã hội. Chính quyền đã tập trung cho 3 nhiệm vụ lớn: xây dựng củng cố chính quyền cách mạng; tập trung cứu đói cho dân và khôi phục phát triển sản xuất; bảo vệ trật tự trị an, truy quét tàn quân dịch. Đồng thời để tiếp tục sắp xếp lại khu dân cư, giải quyết tình trạng lao động dư thừa, chính quyền thực hiện tuyên truyền vận động Nhân dân hồi hương, dãn dân và đi xây dựng vùng kinh tế mới.

Nhân dân đi xây dựng vùng kinh tế mới
Nhân dân đi xây dựng vùng kinh tế mới 

Nhân dân đi xây dựng vùng kinh tế mới
Nhân dân đi xây dựng vùng kinh tế mới 

Thời kỳ chuyển tiếp trong đó có thời kỳ quân quản tuy ngắn ngủi nhưng chính quyền cách mạng đã làm được khá nhiều việc lo cho dân, sớm khôi phục và ổn định tình hình mọi mặt của địa phương sau chiến tranh nhất là giữ vững an ninh chính trị - trật tự an toàn xã hội. Đó là những kết quả nổi bật của những năm đầu giải phóng, là tiền đề quan trọng để xây dựng phát triển quận trong những năm tiếp theo.

Giai đoạn 1976 - 1986

Tháng 6 năm 1976, quận Bình Thạnh thành lập trên cơ sở sáp nhập 2 quận Bình Hòa và Thạnh Mỹ Tây.


Ra mắt Ủy ban lâm thời
Ra mắt Ủy ban lâm thời

Song song với việc thiết lập chính quyền mới từ quận đến cơ sở, Đảng bộ và chính quyền quận Bình Thạnh thông qua Mặt trận và các đoàn thể đã tiếp tục lãnh đạo Nhân dân cùng với chính quyền ra sức khắc phục hậu quả chiến tranh, từng bước khôi phục sản xuất, kịp thời phân phát hàng ngàn tấn gạo, không để xảy ra nạn đói.

Phân phát lương thực thực phẩm cho Nhân dân
Phân phát lương thực thực phẩm cho Nhân dân

Phân phát lương thực thực phẩm cho Nhân dân
Phân phát lương thực thực phẩm cho Nhân dân

Những năm 1978 - 1981 là giai đoạn tình hình đất nước và Thành phố có nhiều khó khăn phức tạp do phải đương đầu với hai cuộc chiến tranh ở hai đầu biên giới phía Bắc và phía Tây Nam Tổ quốc, rồi vụ “nạn kiều” xảy ra vào trong lúc nền kinh tế đất nước lâm vào khủng hoảng nghiêm trọng. Trong bối cảnh đó, Đảng bộ và chính quyền quận đã cùng Thành phố và cả nước tích cực động viên thanh niên lên đường chiến đấu bảo vệ biên giới, đồng thời đề ra những biện pháp, giải pháp khá hữu hiệu để ổn định tình hình, không để ảnh hưởng lớn đến tình hình sản xuất, đời sống và an ninh trật tự trong quận.


Công nhân may gia công và làm đũa
Công nhân may gia công và làm đũa
Công nhân may gia công và làm đũa

Theo phương hướng chung của thành phố, Bình Thạnh đã tiến hành kiểm kê tài sản vắng chủ; tiến hành cải tạo công thương nghiệp tư bản chủ nghĩa, kết hợp đưa vào sản xuất hai hình thức: quốc doanh và công tư hợp doanh. Riêng với tiểu thủ công nghiệp, một trong những ngành truyền thống của quận, để khai thác hết tiềm năng, quận đã sắp xếp, tổ chức lại và đưa vào làm ăn tập thể dưới các hình thức: tổ sản xuất, tập đoàn sản xuất và hợp tác xã.

Giai đoạn 1986 - 2000

Giai đoạn 1986 - 2000 là khoảng thời gian mà Đảng bộ, Nhân dân quận Bình Thạnh nỗ lực thực hiện công cuộc đổi mới đất nước theo chủ trương chung của Đảng. Trong bối cảnh chung của Thành phố, từ thực tế phát triển kinh tế - xã hội của quận, trải qua các kỳ đại hội từ Đại hội IV (1986), Đại hội V (1989), Đại hội VI (1991), Đại hội VII (1996), Đảng bộ quận đã đề ra những phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ cụ thể, phù hợp với tình hình thực tế của địa phương cũng như thời điểm cụ thể, từng bước đưa quận thoát khỏi cơ chế quản lý quan liêu bao cấp, những ràng buộc lỗi thời để bước sang xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Tuy đây là thời kỳ đầu thực hiện đường lối đổi mới, nhưng Bình Thạnh đã đạt được những thành tựu quan trọng về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh quốc phòng. Song thành tựu quan trọng nhất là khối đoàn kết nhất trí trong nội bộ Đảng đã được củng cố vững chắc suốt mấy nhiệm kỳ. Đây chính là cơ sở vững chắc để Bình Thạnh tiếp tục thực hiện đô thị hóa - bước đầu tiến hành sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa trên địa bàn và hoàn thành những nhiệm vụ cách mạng đã đề ra.

Giai đoạn 2001 - 2020: là thời kỳ có nhiều chuyển biến kinh tế - xã hội quan trọng của cả nước, Thành phố Hồ Chí Minh nói chung và quận Bình Thạnh nói riêng. Trong điều kiện có những thuận lợi, khó khăn, thử thách đan xen nhau nhưng với truyền thống đoàn kết, quyết tâm chính trị và sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị từ quận đến cơ sở, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân Bình Thạnh đã phấn đấu hoàn thành cơ bản các mục tiêu, nhiệm vụ của Nghị quyết Đại hội Đảng bộ quận lần thứ VIII (2000), IX (2005), X (2010), XI (2015) đã đề ra, xây dựng quận Bình Thạnh ngày càng phát triển bền vững.

Quận đã tập trung đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo định hướng thương mại - dịch vụ - sản xuất. Nhiều dự án, công trình trọng điểm được triển khai thực hiện tạo cảnh quan đô thị ngày càng khang trang và môi trường thuận lợi thu hút các doanh nghiệp, phát triển kinh tế, góp phần tăng nguồn thu ngân sách hằng năm. Từ năm 2006 đến nay, kinh tế quận có những bước phát triển bền vững, giữ vững được tốc độ tăng trưởng kinh tế, ổn định sản xuất - kinh doanh; đối với lĩnh vực giáo dục, y tế, văn hóa - xã hội có tiến bộ, nhất là công tác chăm lo cho các đối tượng chính sách, dân nghèo; tăng cường công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo; trật tự an toàn giao thông có chuyển biến tích cực; giữ vững an ninh chính trị, bảo đảm quốc phòng - an ninh đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và chăm lo đời sống Nhân dân…


Ủy ban nhân dân thành phố trao cờ thi đua cho Nhân dân và cán bộ quận Bình Thạnh
Ủy ban nhân dân thành phố trao cờ thi đua cho Nhân dân và cán bộ quận Bình Thạnh

Từ những thành quả đạt được nêu trên, trong giai đoạn 2015 - 2020, quận Bình Thạnh luôn giữ vững danh hiệu là đơn vị dẫn đầu Cụm thi đua 2 khối, huyện thành phố trong phong trào thi đua yêu nước và đặc biệt được tặng Bằng khen Thành phố là đơn vị xuất sắc điển hình tiên tiến 5 năm (giai đoạn 2015 - 2020); liên tục nhận Cờ thi đua Thành phố; Cờ thi đua Chính phủ năm 2016, 2017 và 2018.

Với chặng đường 45 xây dựng và phát triển, Nhân dân và cán bộ quận Bình Thạnh vinh dự được trao tặng Huân chương Lao động hạng Ba năm 1978 về thành tích xuất sắc trong phong trào xóa nạn mù chữ; Huân chương Lao động hạng Ba năm 2000 về thành tích xuất sắc trong công tác chăm lo cho đồng bào nghèo từ năm 1990 đến năm 1998; Huân chương Lao động hạng Ba năm 2008 về thành tích xuất sắc trong công tác từ năm 2003 đến năm 2007; Huân chương Lao động hạng Ba năm 2015 về thành tích xuất sắc trong thực hiện Chương trình giảm hộ nghèo tăng hộ khá trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh.

Năm 2017: Nhân dân và cán bộ quận Bình Thạnh vinh dự được trao tặng Huân chương Lao động hạng Nhì về thành tích xuất sắc trong công tác từ năm 2012 đến năm 2016.


Nhân dân và cán bộ quận đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhì
Nhân dân và cán bộ quận đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhì

Thành công ấy là kết quả của một quá trình phấn đấu liên tục, vừa tổ chức và lãnh đạo phong trào cách mạng, vừa tự rèn luyện mình trong thực tiễn đấu tranh, giữ vững sự đoàn kết thống nhất nội bộ, không ngừng nâng cao trình độ và năng lực lãnh đạo của mình. Đảng bộ và Nhân dân quận luôn khẳng định và phát huy những truyền thống tốt đẹp của mình để phấn đấu vượt qua những khó khăn thử thách, lập nhiều thành tích đáng tự hào, góp phần xứng đáng vào thắng lợi chung của toàn Đảng, Thành phố và cả nước ta.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Lịch sử truyền thống của Đảng bộ và Nhân dân quận Bình Thạnh (1930 - 2015), Nxb Tổng hợp TP.HCM, 2021.

2. Báo cáo chính trị Đại hội đại biểu Đảng bộ quận Bình Thạnh lần thứ XII, nhiệm kỳ 2020 - 2025.

3. Báo cáo tóm tắt kết quả thực hiện Nghị quyết Hội đồng nhân dân quận về nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2016 - 2020.


Bài viết nổi bật

Dâng hương kỷ niệm 79 năm Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam

  Ngày 27/8/2024, Quận ủy, Ủy ban nhân dân, Ủy ban MTTQ Việt Nam quận tổ chức lễ dâng hương, đặt vòng hoa tưởng nhớ công lao các anh hùn...

Bài viết phổ biến