Thứ Năm, 14 tháng 4, 2022

Tuyên truyền phòng chống tội phạm, tệ nạn xã hội


Từ ngày 12/01 đến 22/01/2021, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam, các đoàn thể phối hợp Công an Phường 19, 22, 26 tổ chức tuyên truyền phòng chống tội phạm, tệ nạn xã hội.

Tại Phường 19, 22 tuyên truyền cho trên 200 trưởng khu phố, Ban công tác Mặt trận các khu phố, tổ dân phố - Mặt trận, đoàn viên hội viên các đoàn thể và các hộ dân. Người dự được hướng dẫn nguyên nhân, cách phòng chống trộm sơ hở, các thủ đoạn lừa đảo của bọn tội phạm, phòng chống cháy nổ, góp phần giữ gìn an ninh trật tự trước, trong và sau Tết Nguyên đán 2021.

Riêng Phường 26 Hội LHPN tổ chức tuyên truyền phòng, chống tệ nạn xã hội cho 25 thành viên Câu lạc bộ Gia đình phòng chống tệ nạn xã hội.

Dịp này, người dự được thông tin về tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn, một số thủ đoạn thường gặp của các loại tội phạm trộm cắp, cướp giật trong dịp Tết, cách nhận biết các loại tội phạm…

          Mục đích nhằm giúp người dự nâng cao cảnh giác để phòng ngừa, đấu tranh, tố giác tội phạm, bài trừ tệ nạn xã hội đồng thời góp phần đảm bảo an ninh, trật tự an toàn xã hội tại địa phương.                                        

               P. AN - AK

Tuyên truyền phòng, chống tệ nạn xã hội cho thành viên Câu lạc bộ Gia đình phòng chống tệ nạn xã hội Phường 26. (Ảnh TV)
Tuyên truyền phòng, chống tệ nạn xã hội cho
thành viên Câu lạc bộ Gia đình phòng chống tệ nạn xã hội Phường 26. (Ảnh TV)


Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc

·        Cướp, trộm tài sản đều bị bắt!

+ Lúc 16g30 ngày 06/01/2021, Công an Phường 3 tuần tra khi đến số 92 Vạn Kiếp Phường 3, nghe tiếng tri hô cướp của chị L.H.U.N (SN 1996, HKTT Phường 6, Quận 10), liền truy đuổi và bắt giữ N.A.H (SN 1999, tạm trú Phường 8, Quận 3) đã thực hiện hành vi cướp giật điện thoại di động hiệu xiaomi, màu trắng của chị N. Công an Phường 3 lập hồ sơ đối tượng cùng tang vật chuyển Đội Điều tra tổng hợp tiếp tục, xác minh làm rõ.

+ Lúc 22g00 ngày 07/01/2021, chị C.T.H.T (SN 2001, tạm trú Phường 12, quận Bình Thạnh) đến Công an trình báo: lúc 20g15 cùng ngày, chị để xe máy AirBlade BS 47M1-69530, trước cửa hàng tiện lợi 24h Minitop số 43 Trần Quý Cáp, bị V.T.T.T (nữ) (SN 1993; HKTT Đồng Tháp) và đối tượng nam (chưa rõ lai lịch) lợi dụng sơ hở vào lấy xe. Chị phát hiện và tri hô 2 đối tượng bỏ chạy nhưng bị người dân bắt giữ được T. Riêng đối tượng nam trốn thoát, hiện trường vụ việc có camera ghi lại. Công an Phường 12 lập hồ đối tượng cùng tang vật cho Đội Điều tra tổng hợp tiếp tục đấu tranh, truy xét.

·        Phong trào toàn dân BVANTQ:

Trong tuần qua, các Tổ dân phố - Mặt trận tổ chức tuyên truyền các phương thức, thủ đoạn của tội phạm trộm cắp, lừa đảo qua tài khoản ngân hàng, qua mạng Internet và điện thoại. Đồng thời, đẩy mạnh phong trào Toàn dân BVANTQ; tuyên truyền về Luật An ninh mạng, Luật Công an nhân dân, vận động lắp đặt camera giám sát.

Công an phường phối hợp UBND phát tờ rơi, phát loa tuyên truyền các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19. Bên cạnh đó tuyên truyền vận động Nhân dân giao nộp vũ khí, hung khí, vật liệu nổ; phát động Nhân dân tố giác tội phạm, vận động đối tượng ra đầu thú; tuyên truyền đề nghị Nhân dân cảnh giác phòng ngừa các loại tội phạm và đảm bảo ANTT trong nhóm Zalo. Tiếp tục tuyên truyền Nghị định 137/2020/NĐ-CP ngày 27/11/2020 của Chính phủ về quản lý, sử dụng pháo đến tất cả cơ quan, doanh nghiệp, hộ kinh doanh và người dân trên địa bàn. Ngoài ra, Công an các phường tuyên truyền, vận động các hộ dân treo cờ dịp Tết Nguyên đán. Đồng thời tiến hành rà soát các hộ vắng nhà về quê, đi du lịch dài ngày; phối hợp các lực lượng CSKV, BVDP, DP, DQ tăng cường công tác tuần tra đảm bảo ANTT, không để xảy ra tình trạng mất trộm.

Thứ Ba, 12 tháng 4, 2022

Trong nhà ngoài phố


·           Sơ hở, trộm đột nhập:

          Lúc 9g00 ngày 15/02/2021, anh P.V.K đến Công an Phường 22 trình báo: lúc 7g30 cùng ngày, anh đến Công ty CP giám định World Control địa chỉ 45 Nguyễn Hữu Cảnh, Phường 22 làm việc, phát hiện phòng tại lầu 1 (phòng máy móc thiết bị và phòng năng lượng, hàng hóa) bị xáo trộn. Qua kiểm tra tài sản, phát hiện mất 7 laptop (1 Sony, 1 Dell, 1 Toshiba, 4 HP). Trích xuất camera ghi nhận có 1 đối tượng nam mở cửa phòng và dùng ba lô sẵn trong phòng lấy 4 laptop. Công an Phường 22 lập hồ sơ chuyển Đội Điều tra tổng hợp, Đội Cảnh sát hình sự quận điều tra, làm rõ.

·        Xử lý vi phạt trật tự an toàn giao thông                                         

Từ ngày 11/02 đến 17/02/2021, lực lượng chức năng lập biên bản xử lý 47 trường hợp vi phạm luật giao thông. Tổng số tiền phạt 104 triệu đồng; tước 2 GPLX, tạm giữ 8 xe mô tô. Đồng thời, tiến hành kiểm tra nồng độ cồn, lập biên bản xử lý 1 trường hợp.                                                                

NH

Một số hình ảnh thăm hỏi các đơn vị trong dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu năm 2021


 







Thứ Hai, 11 tháng 4, 2022

Bản tin Gia Định số 01 năm 2021


 

Bản tin Gia Định số 01 năm ... by Gia Định Bản tin

Bài học quý báu từ cuộc bầu cử Quốc hội khóa I

 KỶ NIỆM 75 NĂM TỔNG TUYỂN CỬ BẦU QUỐC HỘI KHÓA ĐẦU TIÊN (06/01/1946 - 06/01/2021)


·        NGUYỄN VĂN THANH

Đã 75 năm đã trôi qua, với 14 nhiệm kỳ hoạt động, Quốc hội nước ta luôn gắn bó đồng hành cùng dân tộc, là cơ quan đại biểu cao nhất của Nhân dân, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất của đất nước, thực hiện có hiệu quả chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của Hiến pháp và pháp luật, đóng góp to lớn và quan trọng vào sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa.

Ngay sau khi cách mạng Tháng Tám thành công, Nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hòa ra đời. Một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu để củng cố và tăng cường chính quyền là thực hiện quyền dân chủ cho quần chúng và nhanh chóng “Xúc tiến việc đi đến Quốc hội để quy định Hiến pháp, bầu Chính phủ chính thức”.

Ngày 03/9/1945, trong phiên họp đầu tiên của Chính phủ lâm thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu 6 vấn đề cấp bách nhất cần giải quyết. Một trong sáu vấn đề đó là phải tổ chức Tổng tuyển cử để bầu ra Quốc hội chính thức và cử ra Chính phủ của dân, đồng thời thành lập Ủy ban dự thảo Hiến pháp. Ngay sau đó, ngày 08/9/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra sắc lệnh về cuộc Tổng tuyển cử và để xúc tiến công việc chuẩn bị cho cuộc Tổng tuyển cử, ngày 29/9/1945, Chính phủ lâm thời lại ban hành sắc lệnh quy định thể lệ cuộc Tổng tuyển cử.

Về ý nghĩa của cuộc vận động chính trị to lớn này Chủ tịch Hồ Chí Minh nói: “Tổng tuyển cử là một dịp cho toàn thể quốc dân tự do lựa chọn những người có tài, có đức để gánh vác công việc của nước nhà”; “Tổng tuyển cử tức là tự do, bình đẳng; tức là dân chủ, đoàn kết”; “Do tổng tuyển cử mà toàn dân bầu ra Quốc hội. Quốc hội sẽ cử ra Chính phủ. Chính phủ đó thật là Chính phủ của toàn dân”. Những đối tượng được ra ứng cử đại biểu Quốc hội là “Những người muốn lo việc nước”; và “Hễ là công dân đều có quyền đi bầu cử. Không chia gái trai, giàu nghèo, tôn giáo, nòi giống, giai cấp, đảng phái”. 
Chủ tịch Hồ Chí Minh và các thành viên Chính phủ nước Việt Nam dân chủ cộng hòa sau cuộc tổng tuyển cử bầu Quốc hội khóa I năm 1946. (Ảnh TL -  TNN st)
Chủ tịch Hồ Chí Minh và các thành viên Chính phủ nước Việt Nam dân chủ cộng hòa
sau cuộc tổng tuyển cử bầu Quốc hội khóa I năm 1946. (Ảnh TL -  TNN st)

Cuộc Tổng tuyển cử lần đầu tiên này diễn ra trong điều kiện thù trong, giặc ngoài và tình hình kinh tế - xã hội hết sức khó khăn. Có thể nói, đây không chỉ là một cuộc vận động chính trị thông thường, mà thực chất là cuộc đấu tranh chính trị vô cùng gay go, phức tạp và quyết liệt. Đặc biệt trong quá trình đấu tranh và nhân nhượng, chúng ta đã thừa nhận 70 ghế đại diện của Việt Nam Quốc dân Đảng (Việt Quốc), Việt Cách trong Quốc hội mà không thông qua bầu cử cũng như việc có đại diện của họ tham gia Chính phủ lâm thời. Đây là sách lược hết sức mềm dẻo, khôn khéo của Mặt trận Việt Minh và Chủ tịch Hồ Chí Minh nhằm cô lập bọn phản động, hạn chế sự chống phá điên cuồng của chúng. Trong diễn văn khai mạc kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa I nước Việt Nam dân chủ Cộng hòa, Người nhấn mạnh: “Các đại biểu trong Quốc hội này không phải đại diện cho một đảng phái nào mà là đại biểu cho toàn thể quốc dân Việt Nam. Bởi theo Người: “Quốc hội là tiêu biểu ý chí thống nhất của dân tộc ta, một ý chí sắt đá không gì lay chuyển nổi”, “Quốc hội đoàn kết nhất trí, toàn dân đoàn kết nhất trí thì khó khăn nào chúng ta cũng khắc phục được và thắng lợi nhất định về tay ta”.

Để cuộc bầu cử Quốc hội đầu tiên diễn ra thắng lợi, ngày 05/01/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra lời kêu gọi quốc dân đi bỏ phiếu, trong đó có đoạn “...Ngày mai là một ngày vui sướng của đồng bào ta, vì ngày mai là ngày Tổng tuyển cử, vì ngày mai là một ngày đầu tiên trong lịch sử Việt Nam mà nhân dân ta bắt đầu hưởng dụng quyền dân chủ của mình...”. Với sự chuẩn bị chu đáo, kỹ lưỡng, cuộc bầu cử Quốc hội đầu tiên đã diễn ra đúng như kế hoạch vào ngày 06/01/1946 và thu được thắng lợi to lớn. Chỉ có một bộ phận địa phương ở phía Nam tiến hành bỏ phiếu sớm vào ngày 23/12/1945 (do không kịp nhận lệnh hoãn). Có 89% số cử tri của tất cả 71 tỉnh, thành phố đi bỏ phiếu. Cả nước bầu được 333 đại biểu. Tại thủ đô Hà Nội có 91,95% cử tri của 74 khu nội thành và 118 làng ngoại thành đã đi bỏ phiếu. Kết quả 6 trong 74 ứng cử viên đã trúng cử đại biểu quốc hội. Chủ tịch Hồ Chí Minh trúng cử với số phiếu cao nhất (98,4%).

Tổng tuyển cử đã chính thức hóa chính quyền bằng cách lập ra Quốc hội, từ đó cử ra Chính phủ, ban hành Hiến pháp, tạo dựng một bộ máy chính quyền hoàn toàn đầy đủ danh nghĩa về mặt pháp lý để đại diện cho Nhân dân Việt Nam về đối nội và đối ngoại. Đồng thời cũng thể hiện sự tôn trọng và tin tưởng quyền làm chủ của Nhân dân, đặc biệt là đảm bảo thực hiện chủ quyền Nhân dân Việt Nam một cách rộng rãi.

Tổng tuyển cử ngày 06/01/1946 là một sự kiện lịch sử trọng đại đối với Nhà nước ta, mở đầu cho một quá trình xây dựng chế độ dân chủ mới. Đó cũng chính là sự khởi đầu và phát triển của Quốc hội Nhà nước kiểu mới, với một thiết chế dân chủ, thiết chế trụ cột trong Nhà nước pháp quyền của Nhân dân, do Nhân dân và vì Nhân dân. Thành công của cuộc Tổng tuyển cử bầu Quốc hội khóa I đã và đang để lại những bài học kinh nghiệm quý báu cho muôn đời sau.

_______________

 

*        Trích Bác Hồ với Quốc Hội Việt Nam, NxB Trẻ 2016.

Bác Hồ với Đại hội lần thứ II của Đảng

CHÀO MỪNG ĐẠI HỘI ĐẢNG TOÀN QUỐC LẦN THỨ XIII VÀ KỶ NIỆM 91 NĂM NGÀY THÀNH LẬP ĐẢNG


·        NGUYỄN THỊ THỌ  

            Đúng 70 năm trước, tại thôn Pó Củng, xã Kim Bình, huyện Chiêm Hóa, tỉnh Tuyên Quang diễn ra sự kiện lịch sử hết sức quan trọng đối với cách mạng Việt Nam, đó là Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ II của Đảng diễn ra từ ngày 11 đến 19/02/1951. Đây cũng là Đại hội đầu tiên của Đảng trên đất nước ta sau 6 năm Đảng Cộng sản Đông Dương ra thông báo “tự ý giải tán”. Đại hội diễn ra trong bối cảnh cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp xâm lược của dân tộc ta chuyển sang thế phản công chiến lược, với thế và lực của ta đã đủ mạnh. Và đây cũng là Đại hội có nhiều dấu ấn đặc biệt đối với Bác Hồ kính yêu.
          Sau Tết Tân Mão 1951, vùng đất của xã Vinh Quang (sau này là Kim Bình) còn rộn vang tiếng khèn, tiếng hát và những cuộc chơi “ném còn” của đồng bào các dân tộc anh em. Trong không khí âm vang, rộn ràng, náo nức của mùa xuân ấy, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ II được khẩn trương chuẩn bị. Một công trình xây dựng quy mô lớn bằng gỗ, tre, nứa, lá mọc lên trên những ngọn đồi thoai thoải, do kiến trúc sư Hoàng Như Tiếp thiết kế và tổ chức thi công với hội trường rộng rãi, cao ráo và trang nhã, có hẳn một gác xép dành riêng cho các nhà báo.
Quang cảnh Đại hội Đảng lần thứ II họp tại Tuyên Quang. (Ảnh TL - NN st)
Quang cảnh Đại hội Đảng lần thứ II họp tại Tuyên Quang. (Ảnh TL - NN st)

Mồng 6 Tết, Đại hội chính thức khai mạc. Khi Bác Hồ xuất hiện, hơn 150 đại biểu ùa ra vỗ tay, hoan hô. Trời rét căm căm, hơi sương ùa vào, nhưng Bác Hồ chỉ mặc bộ quần áo vải thô đi thăm chỗ ở, nhà ăn của đại biểu, gian bếp, phòng y tế và hội trường. Bác rất vui vì đây là lần đầu tiên Đảng ta tổ chức Đại hội trên lãnh thổ của Tổ quốc với đông đủ đại biểu đến từ mọi miền đất nước. Ngoài ra, còn có cả đại biểu quốc tế tham dự, được thấy cách mạng Việt Nam ngày càng lớn mạnh cả thế và lực. Bác Hồ đứng giữa hàng ghế Đoàn Chủ tịch Đại hội, không có máy phóng thanh, đọc báo cáo chính trị. Xen giữa chương trình làm việc, Người thông báo ngắn gọn tin chiến thắng của quân và dân ta ở chiến dịch Biên giới, chiến dịch Trung du, chiến công của quân dân Triều Tiên chống Mỹ xâm lược. Buổi tối, Bác cùng các đại biểu xem các bộ phim Liên Xô “Cuộc đời của Lê Nin”, “Thép đã tôi thế đấy”, “Béc-lin thất thủ”… Khi trò chuyện với mọi người, Bác Hồ căn dặn phải ra sức học tập, noi gương Lê-nin.
Đại hội lần thứ II của Đảng ở núi rừng Chiêm Hóa kết thúc trong niềm hân hoan phấn khởi với tên gọi mới là Đảng Lao động Việt Nam, bầu Ban Chấp hành Trung ương do đồng chí Hồ Chí Minh làm Chủ tịch và đồng chí Trường Chinh làm Tổng Bí thư. Đại hội lần này được coi là Đại hội kháng chiến và ra hoạt động công khai sau nhiều năm đi vào bí mật. Những đại biểu lực lượng vũ trang về đây đều như còn mang theo khói súng của chiến trường. Giữa cuộc họp, nhiều đại biểu quân đội phải lên đường đi chiến dịch. Bản thân Đại tướng Võ Nguyên Giáp cũng không dự Đại hội cho tới lúc bế mạc vì phải về cơ quan để kịp dự cuộc họp Đảng ủy Mặt trận lần thứ hai được triệu tập vào ngày 19/02/1951 để quyết định lựa chọn phương án đánh địch trong chiến dịch sắp tới. Đại hội lần thứ II của Đảng mở ra một thời kỳ cách mạng mới trên bán đảo Đông Dương. Tuy tên gọi có khác trước, là Đảng Lao động Việt Nam, nhưng Đảng ta đã trở về với tổ chức ban đầu, được quyết định trong Hội nghị hợp nhất những người cộng sản ở Đông Dương ngày 03/02/1930. Đại hội cũng mở ra thời kỳ hoạt động mới của hai đảng anh em Lào và Campuchia, một hình thức liên minh chiến đấu mới giữa ba nước trên bán đảo Đông Dương.
Nửa tháng sau, cũng tại hội trường Đại hội, Đảng ta đã làm lễ trọng thể ra mắt quốc dân, trở lại hoạt động công khai. Cảnh tượng hoành tráng của khối đại đoàn kết toàn dân quây quần nồng nhiệt đón chào Đảng Lao động Việt Nam đã gây niềm xúc động lớn. Các vị lãnh đạo Mặt trận Việt Minh, Mặt trận Liên Việt, đại diện Quốc hội, Chính phủ, các đoàn thể Nhân dân, đại biểu các dân tộc, tôn giáo, các nhân sĩ, trí thức bày tỏ niềm tin tuyệt đối vào vai trò lãnh đạo, năng lực và uy tín của Đảng Lao động Việt Nam. Kết thúc buổi lễ, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định “Mục đích của Đảng Lao động Việt Nam là: Đoàn kết toàn dân, phụng sự Tổ quốc. Chính sách của Đảng đúc lại trong mấy chữ là làm cho nước Việt Nam ta Độc lập - Thống nhất - Dân chủ - Phú cường”./.

Bài viết nổi bật

Dâng hương kỷ niệm 79 năm Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam

  Ngày 27/8/2024, Quận ủy, Ủy ban nhân dân, Ủy ban MTTQ Việt Nam quận tổ chức lễ dâng hương, đặt vòng hoa tưởng nhớ công lao các anh hùn...

Bài viết phổ biến