KỶ NIỆM 75 NĂM TỔNG TUYỂN CỬ BẦU QUỐC HỘI KHÓA ĐẦU TIÊN (06/01/1946 - 06/01/2021)
· NGUYỄN VĂN THANH
Đã 75 năm đã trôi qua, với 14 nhiệm kỳ hoạt
động, Quốc hội nước ta luôn gắn bó đồng hành cùng dân tộc, là cơ quan đại biểu
cao nhất của Nhân dân, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất của đất nước, thực
hiện có hiệu quả chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của Hiến pháp và
pháp luật, đóng góp to lớn và quan trọng vào sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân
tộc, thống nhất đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa.
Ngay sau khi cách mạng Tháng Tám thành công,
Nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hòa ra đời. Một trong những nhiệm vụ quan trọng
hàng đầu để củng cố và tăng cường chính quyền là thực hiện quyền dân chủ cho
quần chúng và nhanh chóng “Xúc tiến việc đi đến Quốc hội để quy định Hiến pháp,
bầu Chính phủ chính thức”.
Ngày 03/9/1945, trong phiên họp đầu tiên của Chính phủ
lâm thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu 6 vấn đề cấp bách nhất cần giải quyết. Một
trong sáu vấn đề đó là phải tổ chức Tổng tuyển cử để bầu ra Quốc hội chính thức
và cử ra Chính phủ của dân, đồng thời thành lập Ủy ban dự thảo Hiến pháp. Ngay
sau đó, ngày 08/9/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra sắc lệnh về cuộc Tổng tuyển cử
và để xúc tiến công việc chuẩn bị cho cuộc Tổng tuyển cử, ngày 29/9/1945, Chính
phủ lâm thời lại ban hành sắc lệnh quy định thể lệ cuộc Tổng tuyển cử.
Chủ tịch Hồ Chí Minh và các thành viên Chính phủ nước Việt Nam dân chủ cộng hòa sau cuộc tổng tuyển cử bầu Quốc hội khóa I năm 1946. (Ảnh TL - TNN st) |
Cuộc Tổng tuyển cử lần đầu tiên này diễn ra trong điều
kiện thù trong, giặc ngoài và tình hình kinh tế - xã hội hết sức khó khăn. Có
thể nói, đây không chỉ là một cuộc vận động chính trị thông thường, mà thực
chất là cuộc đấu tranh chính trị vô cùng gay go, phức tạp và quyết liệt. Đặc
biệt trong quá trình đấu tranh và nhân nhượng, chúng ta đã thừa nhận 70 ghế đại
diện của Việt Nam Quốc dân Đảng (Việt Quốc), Việt Cách trong Quốc hội mà không
thông qua bầu cử cũng như việc có đại diện của họ tham gia Chính phủ lâm thời.
Đây là sách lược hết sức mềm dẻo, khôn khéo của Mặt trận Việt Minh và Chủ tịch
Hồ Chí Minh nhằm cô lập bọn phản động, hạn chế sự chống phá điên cuồng của
chúng. Trong diễn văn khai mạc kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa I nước Việt Nam
dân chủ Cộng hòa, Người nhấn mạnh: “Các đại biểu trong Quốc hội này không phải
đại diện cho một đảng phái nào mà là đại biểu cho toàn thể quốc dân Việt Nam.
Bởi theo Người: “Quốc hội là tiêu biểu ý chí thống nhất của dân tộc ta, một ý
chí sắt đá không gì lay chuyển nổi”, “Quốc hội đoàn kết nhất trí, toàn dân đoàn
kết nhất trí thì khó khăn nào chúng ta cũng khắc phục được và thắng lợi nhất
định về tay ta”.
Để cuộc bầu cử Quốc hội đầu tiên diễn ra thắng lợi,
ngày 05/01/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra lời kêu gọi quốc dân đi bỏ phiếu,
trong đó có đoạn “...Ngày mai là một ngày vui sướng của đồng bào ta, vì ngày
mai là ngày Tổng tuyển cử, vì ngày mai là một ngày đầu tiên trong lịch sử Việt
Nam mà nhân dân ta bắt đầu hưởng dụng quyền dân chủ của mình...”. Với sự chuẩn
bị chu đáo, kỹ lưỡng, cuộc bầu cử Quốc hội đầu tiên đã diễn ra đúng như kế
hoạch vào ngày 06/01/1946 và thu được thắng lợi to lớn. Chỉ có một bộ phận địa
phương ở phía Nam tiến hành bỏ phiếu sớm vào ngày 23/12/1945 (do không kịp nhận
lệnh hoãn). Có 89% số cử tri của tất cả 71 tỉnh, thành phố đi bỏ phiếu. Cả nước
bầu được 333 đại biểu. Tại thủ đô Hà Nội có 91,95% cử tri của 74 khu nội thành
và 118 làng ngoại thành đã đi bỏ phiếu. Kết quả 6 trong 74 ứng cử viên đã trúng
cử đại biểu quốc hội. Chủ tịch Hồ Chí Minh trúng cử với số phiếu cao nhất
(98,4%).
Tổng tuyển cử đã chính thức hóa chính quyền bằng cách
lập ra Quốc hội, từ đó cử ra Chính phủ, ban hành Hiến pháp, tạo dựng một bộ máy
chính quyền hoàn toàn đầy đủ danh nghĩa về mặt pháp lý để đại diện cho Nhân dân
Việt Nam về đối nội và đối ngoại. Đồng thời cũng thể hiện sự tôn trọng và tin
tưởng quyền làm chủ của Nhân dân, đặc biệt là đảm bảo thực hiện chủ quyền Nhân
dân Việt Nam một cách rộng rãi.
Tổng tuyển cử ngày 06/01/1946 là một sự kiện lịch sử trọng
đại đối với Nhà nước ta, mở đầu cho một quá trình xây dựng chế độ dân chủ mới.
Đó cũng chính là sự khởi đầu và phát triển của Quốc hội Nhà nước kiểu mới, với
một thiết chế dân chủ, thiết chế trụ cột trong Nhà nước pháp quyền của Nhân
dân, do Nhân dân và vì Nhân dân. Thành công của cuộc Tổng tuyển cử bầu Quốc hội
khóa I đã và đang để lại những bài học kinh nghiệm quý báu cho muôn đời sau.
_______________
*
Trích Bác Hồ với Quốc Hội Việt Nam, NxB Trẻ 2016.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Cám ơn bạn đã quan tâm