CHÀO MỪNG ĐẠI HỘI ĐẢNG TOÀN QUỐC LẦN THỨ XIII VÀ KỶ NIỆM 91 NĂM NGÀY THÀNH LẬP ĐẢNG
·
NGUYỄN
THỊ THỌ
Đúng
70 năm trước, tại thôn Pó Củng, xã Kim Bình, huyện Chiêm Hóa, tỉnh Tuyên Quang
diễn ra sự kiện lịch sử hết sức quan trọng đối với cách mạng Việt Nam, đó là
Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ II của Đảng diễn ra từ ngày 11 đến
19/02/1951. Đây cũng là Đại hội đầu tiên của Đảng trên đất nước ta sau 6 năm
Đảng Cộng sản Đông Dương ra thông báo “tự ý giải tán”. Đại hội diễn ra trong
bối cảnh cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp xâm lược của dân tộc ta
chuyển sang thế phản công chiến lược, với thế và lực của ta đã đủ mạnh. Và đây
cũng là Đại hội có nhiều dấu ấn đặc biệt đối với Bác Hồ kính yêu.
Sau Tết Tân Mão 1951, vùng đất của xã
Vinh Quang (sau này là Kim Bình) còn rộn vang tiếng khèn, tiếng hát và những
cuộc chơi “ném còn” của đồng bào các dân tộc anh em. Trong không khí âm vang,
rộn ràng, náo nức của mùa xuân ấy, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ II được khẩn
trương chuẩn bị. Một công trình xây dựng quy mô lớn bằng gỗ, tre, nứa, lá mọc
lên trên những ngọn đồi thoai thoải, do kiến trúc sư Hoàng Như Tiếp thiết kế và
tổ chức thi công với hội trường rộng rãi, cao ráo và trang nhã, có hẳn một gác
xép dành riêng cho các nhà báo.
Quang cảnh Đại hội Đảng lần thứ II họp tại Tuyên Quang. (Ảnh TL - NN st) |
Mồng 6 Tết, Đại hội chính thức khai mạc. Khi Bác Hồ xuất hiện, hơn 150 đại biểu ùa ra vỗ tay, hoan hô. Trời rét căm căm, hơi sương ùa vào, nhưng Bác Hồ chỉ mặc bộ quần áo vải thô đi thăm chỗ ở, nhà ăn của đại biểu, gian bếp, phòng y tế và hội trường. Bác rất vui vì đây là lần đầu tiên Đảng ta tổ chức Đại hội trên lãnh thổ của Tổ quốc với đông đủ đại biểu đến từ mọi miền đất nước. Ngoài ra, còn có cả đại biểu quốc tế tham dự, được thấy cách mạng Việt Nam ngày càng lớn mạnh cả thế và lực. Bác Hồ đứng giữa hàng ghế Đoàn Chủ tịch Đại hội, không có máy phóng thanh, đọc báo cáo chính trị. Xen giữa chương trình làm việc, Người thông báo ngắn gọn tin chiến thắng của quân và dân ta ở chiến dịch Biên giới, chiến dịch Trung du, chiến công của quân dân Triều Tiên chống Mỹ xâm lược. Buổi tối, Bác cùng các đại biểu xem các bộ phim Liên Xô “Cuộc đời của Lê Nin”, “Thép đã tôi thế đấy”, “Béc-lin thất thủ”… Khi trò chuyện với mọi người, Bác Hồ căn dặn phải ra sức học tập, noi gương Lê-nin.
Đại hội lần thứ II của Đảng ở núi rừng Chiêm Hóa kết thúc trong niềm hân hoan phấn khởi với tên gọi mới là Đảng Lao động Việt Nam, bầu Ban Chấp hành Trung ương do đồng chí Hồ Chí Minh làm Chủ tịch và đồng chí Trường Chinh làm Tổng Bí thư. Đại hội lần này được coi là Đại hội kháng chiến và ra hoạt động công khai sau nhiều năm đi vào bí mật. Những đại biểu lực lượng vũ trang về đây đều như còn mang theo khói súng của chiến trường. Giữa cuộc họp, nhiều đại biểu quân đội phải lên đường đi chiến dịch. Bản thân Đại tướng Võ Nguyên Giáp cũng không dự Đại hội cho tới lúc bế mạc vì phải về cơ quan để kịp dự cuộc họp Đảng ủy Mặt trận lần thứ hai được triệu tập vào ngày 19/02/1951 để quyết định lựa chọn phương án đánh địch trong chiến dịch sắp tới. Đại hội lần thứ II của Đảng mở ra một thời kỳ cách mạng mới trên bán đảo Đông Dương. Tuy tên gọi có khác trước, là Đảng Lao động Việt Nam, nhưng Đảng ta đã trở về với tổ chức ban đầu, được quyết định trong Hội nghị hợp nhất những người cộng sản ở Đông Dương ngày 03/02/1930. Đại hội cũng mở ra thời kỳ hoạt động mới của hai đảng anh em Lào và Campuchia, một hình thức liên minh chiến đấu mới giữa ba nước trên bán đảo Đông Dương.
Nửa tháng sau, cũng tại hội trường Đại hội, Đảng ta đã làm lễ trọng thể ra mắt quốc dân, trở lại hoạt động công khai. Cảnh tượng hoành tráng của khối đại đoàn kết toàn dân quây quần nồng nhiệt đón chào Đảng Lao động Việt Nam đã gây niềm xúc động lớn. Các vị lãnh đạo Mặt trận Việt Minh, Mặt trận Liên Việt, đại diện Quốc hội, Chính phủ, các đoàn thể Nhân dân, đại biểu các dân tộc, tôn giáo, các nhân sĩ, trí thức bày tỏ niềm tin tuyệt đối vào vai trò lãnh đạo, năng lực và uy tín của Đảng Lao động Việt Nam. Kết thúc buổi lễ, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định “Mục đích của Đảng Lao động Việt Nam là: Đoàn kết toàn dân, phụng sự Tổ quốc. Chính sách của Đảng đúc lại trong mấy chữ là làm cho nước Việt Nam ta Độc lập - Thống nhất - Dân chủ - Phú cường”./.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Cám ơn bạn đã quan tâm