Thứ Sáu, 6 tháng 1, 2023

Nâng cao năng lực hoạt động của Trạm y tế phường

  • THÙY LINH

Mạng lưới y tế cơ sở có vai trò quan trọng trong bảo vệ, chăm sóc sức khỏe ban đầu cho Nhân dân, cụ thể trực tiếp là các Trạm y tế. Chức năng của Trạm y tế rất đặc thù, bên cạnh việc khám, chữa bệnh như: sơ cứu, cấp cứu ban đầu; khám, tư vấn, sàng lọc, phát hiện sớm và điều trị còn phải chăm sóc sức khỏe người dân mắc các bệnh mạn tính không lây như bệnh tim mạch, tăng huyết áp, đái tháo đường, hen phế quản, bệnh phổi tắc nghẽn, phát hiện sớm ung thư vú, ung thư cổ tử cung... Ngoài ra, các y, bác sĩ của Trạm y tế còn thực hiện các hoạt động y tế dự phòng như tiêm chủng, truyền thông giáo dục sức khỏe, chăm sóc sức khỏe trẻ em, phụ nữ mang thai, người cao tuổi, công tác dân số, phòng chống dịch bệnh…

Quận tiếp nhận bác sĩ đa khoa về thực tập tại các Trạm y tế phường.
Quận tiếp nhận bác sĩ đa khoa về thực tập tại các Trạm y tế phường.

Khi làn sóng dịch Covid-19 lần thứ 4 bùng phát (tháng 4/2021), khối lượng công việc của nhân viên y tế tuyến cơ sở tăng lên gấp nhiều lần. Trước kia, chỉ làm việc 8 giờ/ngày, được nghỉ thứ Bảy, Chủ nhật và ngày lễ, nhưng trong thời gian cao điểm này, mọi người phải thực hiện nghiêm phương châm “3 tại chỗ” trong nhiều tháng với thời gian làm việc từ 16 giờ đến 18 giờ/ngày, không có ngày nghỉ, ngày lễ. Với khối lượng công việc bề bộn, cấp bách, ngành y tế Thành phố phải huy động lực lượng người cao tuổi có chuyên môn y tế tham gia tại Trạm y tế. Giải pháp tình thế này đã giúp giảm tải một khối lượng công việc đáng kể. Đồng thời, đưa các bác sĩ tham gia chương trình thí điểm thực hành tại bệnh viện Đa khoa về gắn với Trạm y tế. Chính sự luân phiên này giúp các bác sĩ trẻ được nâng cao kiến thức chuyên môn. Đây là điều kiện cần có của một bác sĩ đa khoa từ chăm sóc sức khỏe ban đầu đến điều trị chuyên khoa tuyến cuối. Đồng thời đây cũng là cơ hội để nâng cao hơn nữa năng lực chăm sóc sức khỏe hướng về cộng đồng, năng lực phòng bệnh và đặc biệt là năng lực hoạt động xã hội.

 Bên cạnh các hoạt động thường xuyên của Trạm y tế, ngành y tế quận kịp thời tăng cường bác sĩ tham gia khám chữa bệnh ngay tại cơ sở. Ngoài ra còn đầu tư cho các Trạm y tế nhiều máy móc, trang thiết bị hiện đại như máy chụp X-quang, siêu âm, điện tâm đồ, máy kéo giãn cột sống, xung điện, máy xét nghiệm... để nâng cao hiệu quả khám chữa bệnh, giảm tải bệnh nhân lên tuyến trên.  

Khám chữa bệnh bằng phương pháp y học cổ truyền tại Trạm y tế Phường 21.
Khám chữa bệnh bằng phương pháp y học cổ truyền tại Trạm y tế Phường 21.

Bên cạnh đó, các Trạm y tế còn chủ động tập trung chuyển đổi hoạt động theo nguyên lý y học gia đình mang lại nhiều kết quả tốt. Đến nay, có 3 Trạm y tế (Phường 13, 22 và 27) hoạt động theo hướng này và số lượng bệnh nhân đến khám ngày càng đông, chủ yếu về các bệnh mãn tính không lây như: tăng huyết áp, đái tháo đường... trước đây thường thăm khám tại tuyến trên.

Mặt khác, các Trạm y tế còn phát triển chương trình y học cổ truyền nhằm phát huy phương thức khám chữa bệnh không dùng thuốc. Trong đó, tăng cường kết hợp với y học hiện đại trong khám, chữa bệnh, phục hồi chức năng, nâng cao sức khỏe. Ngành y tế quận xem đây là điểm mạnh để thu hút người dân sử dụng các dịch vụ chăm sóc, khám bệnh, chữa bệnh tại Trạm y tế.

Với những đầu tư đúng mức và kịp thời, đến nay, ngành y tế quận, đặc biệt là tuyến cơ sở đã nâng cao một bước đáng kể về năng lực chuyên môn. Cụ thể là chất lượng khám, chữa bệnh tại tuyến cơ sở từng bước được nâng cao, qua đó góp phần thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia tại quận nhà ngày càng đạt hiệu quả cao.

Bác sĩ khám và tư vấn cho bệnh nhân hậu Covid-19.
Bác sĩ khám và tư vấn cho bệnh nhân hậu Covid-19.



Hội Cựu Chiến binh quận Bình Thạnh - Bản lĩnh vững vàng đi đầu trên mọi mặt trận, phong trào thi đua yêu nước

 

 • THANH BÌNH

Thấm nhuần lời kêu gọi thi đua ái quốc của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Thi đua là yêu nước yêu nước thì phải thi đua và những người thi đua là những người yêu nước nhất”, lời kêu gọi đó đến nay vẫn còn nguyên giá trị, là động lực cho toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta đẩy mạnh công tác thi đua trong thời kỳ mới.

Thực hiện lời dạy của Bác Hồ, năm qua Hội Cựu chiến binh quận tích cực phát động 3 đợt thi đua thường xuyên, 1 đợt thi đua đột kích và ký kết thực hiện phong trào thi đua “Cựu chiến binh gương mẫu” giữa các Hội cơ sở trong quận. Trên cơ sở xác định công tác xây dựng, bảo vệ Đảng, chính quyền Nhân dân vững mạnh là một trong những nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu đối với công tác Hội, từ đó Ban Thường vụ Hội tập trung quan tâm công tác giáo dục chính trị tư tưởng, rèn luyện phẩm chất, đạo đức cách mạng và thường xuyên tổ chức quán triệt, phổ biến chuyên đề học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh cho cán bộ, hội viên. Qua đó, giúp mọi người nâng cao bản lĩnh chính trị vững vàng, kiên quyết đấu tranh chống các âm mưu diễn biến hòa bình. Mỗi hội viên cựu chiến binh là một chiến sĩ dũng cảm đấu tranh với các quan điểm sai trái và các thế lực thù địch”. Tại các khu phố, với phẩm chất “Bộ đội cụ Hồ”, từng đồng chí cán bộ, hội viên là một pháo đài vững chắc, kịp thời ngăn chặn, phản bác các luận điệu xuyên tạc trên không gian mạng, góp phần đảm bảo ổn định an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội. Đồng thời làm nòng cốt trong thực hiện quy chế dân chủ cơ sở; kết hợp chính quyền giám sát các hoạt động về phát triển kinh tế - xã hội, an sinh xã hội đối với các gia đình chính sách.

Hội Cựu chiến binh quận luôn quan tâm thực hiện tốt công tác  đền ơn đáp nghĩa
Hội Cựu chiến binh quận luôn quan tâm thực hiện tốt công tác đền ơn đáp nghĩa

Với tinh thần trách nhiệm của thế hệ đi trước, chủ động phối hợp với Đoàn Thanh niên quận thực hiện tốt công tác giáo dục truyền thống cách mạng, xây dựng lý tưởng, hoài bão sống cao đẹp, biết cống hiến sức trẻ vì cộng đồng qua các chương trình hoạt động: đền ơn đáp nghĩa, uống nước nhớ nguồn, phụng dưỡng Mẹ Việt Nam anh hùng, chăm sóc thương bệnh binh, “Mô hình 3 chi” (Chi bộ, Chi hội, Chi đoàn) tại các khu phố nhằm tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy chi bộ và sự phối hợp của Chi hội Cựu chiến binh khu phố trong xây dựng tổ chức và đẩy mạnh các hoạt động phong trào đoàn cơ sở. 

Hội Cựu chiến binh cơ sở phối hợp các ban ngành đoàn thể  tổ chức bán hàng bình ổn giá.
Hội Cựu chiến binh cơ sở phối hợp các ban ngành đoàn thể tổ chức bán hàng bình ổn giá.

Bên cạnh đó, phát huy tính tiên phong, gương mẫu, đi đầu trong thực hiện phong trào thi đua “Cựu chiến binh gương mẫu” gắn với các phong trào thi đua tại địa phương, thông qua triển khai và thực hiện các giải pháp, mô hình: “Mỗi hội viên là điểm thông tin về tình hình an ninh trật tự”; “Hội Cựu chiến binh quận Bình Thạnh chung tay giúp đỡ người nghèo, cận nghèo, khó khăn”; “Một việc làm tốt, một việc làm tử tế”; “Cựu chiến binh giúp nhau giảm nghèo, làm kinh tế giỏi”; “Tổ An ninh trật tự Cựu chiến binh”; “Tổ Cựu chiến binh tham gia bảo vệ môi trường”, hẻm “Xanh - sạch - đẹp gắn với an toàn giao thông”, “Công trình công ích”… Đặc biệt trong năm 2022, các cấp Hội từ quận đến cơ sở đồng loạt phát động thực hiện mô hình mới “Hội Cựu chiến binh Bình Thạnh chung tay tiếp sức cho học sinh gặp khó đến trường”. Qua đó đã trao gần 290 phần quà, 37 suất học bổng, 300 tập trắng và 10 bộ sách giáo khoa đến thiếu nhi có hoàn cảnh khó khăn với tổng kinh phí 142,5 triệu đồng. Để giữ gìn an ninh trật tự trên địa bàn dân cư, 20 tổ “An ninh trật tự cựu chiến binh” tại các phường phối hợp với Công an, lực lượng bảo vệ, dân phòng tham gia trên 1.200 đợt tuần tra, canh gác, chốt chặn địa bàn; cung cấp trên 270 tin có giá trị cho Công an, phối hợp cảm hóa trên 150 thanh niên lầm lỡ hòa nhập cộng đồng, góp phần giữ vững an ninh trật tự an toàn xã hội trên địa bàn và tham gia hòa giải thành hàng chục vụ việc. Ngoài ra, hội viên luôn nêu cao ý chí tự lực, tự cường, đoàn kết giúp nhau phát triển kinh tế vươn lên thoát nghèo; hỗ trợ vay vốn, giới thiệu việc làm, tặng học bổng cho con hội viên nghèo khó khăn, vận động đóng góp kinh phí xây dựng nhà tình nghĩa, tình thương. Trong năm qua, có 136 hộ hội viên vay vốn Ngân hàng chính sách xã hội với tổng số tiền 9,884 tỷ đồng. Riêng quỹ Hội cũng cho hội viên vay số tiền 334,7 triệu đồng để phát triển kinh tế. Ngoài ra, còn hỗ trợ xây mới và sửa chữa nhà cho 28 hội viên, hộ dân có hoàn cảnh khó khăn (22 nhà hội viên và 6 hộ dân) với tổng số tiền 2,886 tỷ đồng, trong đó hội viên đóng góp 577 triệu đồng. 

Với ý chí kiên cường, bản lĩnh, vững vàng luôn đi đầu trên mọi mặt trận và các phong trào, Hội Cựu chiến binh quận Bình Thạnh vinh dự được Trung ương Hội, Thành hội khen thưởng với thành tích: Đạt danh hiệu xuất sắc 7 năm liên tục (từ năm 2016 đến 2022); 4 năm nhận cờ Thi đua của Trung ương Hội (2017, 2019, 2020, 2021); Bằng khen của Trung ương Hội (2018); Cờ Thi đua của UBND Thành phố (2019). Có 154 lượt tập thể và 721 lượt cán bộ hội viên được khen thưởng (trong đó 1 cá nhân được tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhì).

Hội Cựu chiến binh quận thực hiện tốt công trình nâng cấp, sửa chữa nhà cho hội viên khó khăn
Hội Cựu chiến binh quận thực hiện tốt công trình nâng cấp, sửa chữa nhà cho hội viên khó khăn

Liên đoàn Lao động quận Bình Thạnh - Đổi mới hoạt động đi đôi với đa dạng hoạt động chăm lo các mặt đời sống

• ĐINH LONG

Năm 2022, Liên đoàn Lao động quận có nhiều đổi mới về nội dung, phương thức hoạt động, hướng về cơ sở; phát huy tốt vai trò chăm lo, đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng cho đoàn viên, người lao động; thực hiện thường xuyên, sâu, rộng các hoạt động tuyên truyền, giáo dục; tổ chức tốt các phong trào thi đua yêu nước. Từ đó, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho đoàn viên, người lao động. 

Đặc biệt là chương trình Phúc lợi đoàn viên tiếp tục được phát triển, có nhiều điểm nhấn nổi bật, trọng tâm, ý nghĩa, thích ứng an toàn, linh hoạt trong bối cảnh phòng, chống dịch Covid-19. Tiêu biểu như công trình “1.000 sổ tiết kiệm” với tổng giá trị 2 tỷ đồng; trao tặng 20 xe điện, Ngày hội “Sức khỏe người lao động”; “Ngày hội nữ CNVCLĐ”, “Ngày hội kết nối đơn vị, doanh nghiệp và giới thiệu việc làm”; tư vấn, chăm sóc sức khỏe hậu Covid-19 cho người lao động; ra mắt các điểm phúc lợi đoàn viên, phòng “Cabin vắt, trữ sữa mẹ” tại doanh nghiệp, hội thao, hội thi..., với tổng kinh phí chăm lo gần 5 tỷ đồng. 

Bên cạnh đó, còn tổ chức trao gần 200 suất học bổng Nguyễn Đức Cảnh, tặng 10 xe đạp; tổ chức diễn đàn trẻ em; tuyên truyền Luật Trẻ em; tư vấn tâm lý, chăm sóc sức khỏe và các nội dung chăm lo khác cho con CNVC-LĐ với tổng kinh phí gần 600 triệu đồng. 

Tư vấn, chăm sóc sức khỏe cho người lao động
Tư vấn, chăm sóc sức khỏe cho người lao động

Riêng các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao tiếp tục được tổ chức thường xuyên, đa dạng, tạo không khí sôi nổi vui tươi, thúc đẩy sự say mê lao động, sáng tạo trong CNVC-LĐ. Nổi bật như: hội thao CNVCLĐ, hội thi “Công nhân viên chức lao động quận Bình Thạnh khỏe để lao động sản xuất”; hội diễn văn nghệ chào mừng 40 năm ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11/1982 - 20/11/2022)... Đáng nói như chương trình văn nghệ “Giai điệu tháng 5”, “Giai điệu mùa thu”; sân chơi giờ thứ 9 luôn được duy trì đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hóa lành mạnh của CNVC-LĐ; duy trì các lớp thể dục thẩm mỹ, bơi lội, võ cổ truyền, yoga, khiêu vũ, nhảy hiện đại, hội họa, đàn guitar, organ... Ngoài ra, còn tổ chức cho người lao động tham gia các chương trình, hội thao, hội thi do Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Liên đoàn Lao động TPHCM đạt được nhiều thứ hạng cao. Qua đó, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần, sẻ chia khó khăn với đoàn viên, người lao động, đồng hành với doanh nghiệp sau thời gian ảnh hưởng của đại dịch Covid-19. 

Chương trình bán hàng Việt Nam giá ưu đãi cho CNVC-LĐ
Chương trình bán hàng Việt Nam giá ưu đãi cho CNVC-LĐ

Mặt khác, các hoạt động xã hội từ thiện cũng được triển khai sâu rộng, góp phần lan tỏa hình ảnh đẹp của tổ chức Công đoàn như: vận động đoàn viên, người lao động quận tích cực tham gia các hoạt động xã hội, nhân đạo thông qua ủng hộ các quỹ: Vì tuổi thơ; Vì biển đảo quê hương - Vì tuyến đầu Tổ quốc; Vì người nghèo; Mái ấm Công đoàn; chăm lo CNVC-LĐ bị bệnh hiểm nghèo, tai nạn lao động. Thêm vào đó, Liên đoàn Lao động quận còn phối hợp Hội Chữ thập đỏ tổ chức nhiều đợt hiến máu tình nguyện, thu hút trên 670 đoàn viên, người lao động tham gia.

Với tinh thần hết mình vì đoàn viên, vì người lao động, không để ai bị bỏ lại phía sau, dịp Tết Nguyên đán Quý Mão 2023, Ban Thường vụ Liên đoàn Lao động quận cũng sẽ sát cánh, chăm lo các phần quà; hỗ trợ vé tàu, vé xe cho CNVC-NLĐ có hoàn cảnh khó khăn. Song song đó còn có nhiều hoạt động thiết thực được tổ chức như chương trình “Bán hàng Việt Nam giá ưu đãi” phục vụ CNVC-LĐ các mặt hàng thiết yếu có giá thấp hơn giá thị trường từ 20% đến 50%, ngày hội công nhân, phiên chợ nghĩa tình, chương trình Tết sum vầy họp mặt CNLĐ không có điều kiện về quê đón tết và chương trình Ngày hội Hương sắc mùa xuân, hội thi “Thiết kế bao lì xì mừng tuổi ông bà, cha mẹ”. Ngoài ra, còn tổ chức các đoàn thăm, chúc Tết và tặng quà các cán bộ Công đoàn hưu trí; thăm hỏi, động viên gia đình CNLĐ có hoàn cảnh khó khăn, người thân mất vì Covid-19; thăm và chúc tết các đơn vị có môi trường làm việc khó khăn và nhiều hoạt động chăm lo thiết thực khác với tổng kinh phí chăm lo dự kiến trên 10 tỷ đồng.

 Với tinh thần luôn đổi mới trong các hoạt động, phong trào tổ chức Công đoàn các cấp tại quận hoàn thành tốt nhiệm vụ đề ra. Luôn hết mình vì sự tiến bộ của đoàn viên, người lao động, góp phần xây dựng giai cấp công nhân và tổ chức Công đoàn ngày một lớn mạnh, chung tay xây dựng quận Bình Thạnh phát triển ngày càng văn minh, hiện đại trong xu thế hội nhập, toàn cầu hóa.


Mẹ đỡ đầu - Kết nối yêu thương

 • NGUYỄN LIÊM

Cô Nguyễn Thị Lộc (giữa) nhận làm “Mẹ đỡ đầu” và chăm lo cho các trẻ mồ côi bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.
Cô Nguyễn Thị Lộc (giữa) nhận làm “Mẹ đỡ đầu” và chăm lo cho các trẻ mồ côi bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.

Gia đình là điểm tựa tinh thần, là tổ ấm, nơi nuôi dưỡng tâm hồn, nhân cách mỗi người. Không gì hạnh phúc hơn khi tổ ấm của trẻ em là có cả cha và mẹ. Thế nhưng thiên tai, rủi ro và dịch bệnh Covid-19 đã khiến cho không ít trẻ em phải chịu đựng những nỗi đau to lớn, không thể bù đắp được khi mất đi người thân yêu nhất.

Năm qua, hưởng ứng chương trình “Mẹ đỡ đầu” do Đoàn Chủ tịch Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam phát động, Hội Liên hiệp Phụ nữ quận nhanh chóng triển khai, phát động sâu rộng trong các cơ sở Hội, cộng đồng, đã nhận được sự chung sức đồng lòng của các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân hảo tâm trong và ngoài quận. 

Để chương trình đạt hiệu quả với phương châm “Ở đâu có trẻ mồ côi, ở đó có mẹ đỡ đầu”, các cấp Hội tại quận đẩy mạnh tuyên truyền vận động cán bộ, hội viên phụ nữ tiên phong hưởng ứng chương trình này. Qua đó tập trung triển khai nhiều hoạt động hỗ trợ, chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ mồ côi như: tư vấn sức khỏe, tâm lý lứa tuổi; hỗ trợ kết nối tư vấn hướng nghiệp, đào tạo nghề sau khi tốt nghiệp; tham quan, giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm học tập, hướng dẫn kỹ năng sống an toàn… Chỉ trong thời gian ngắn đã vận động được nhiều doanh nghiệp, mạnh thường quân nhận đỡ đầu 50 trẻ với mức hỗ trợ từ 500.000 đồng đến 2 triệu đồng/ cháu/tháng, thời gian hỗ trợ 5 năm hoặc đến khi trẻ đủ 18 tuổi. Tùy theo điều kiện các “mẹ đỡ đầu” và nhu cầu của mỗi trẻ còn chăm lo thêm sách, vở, đồ dùng học tập, quần áo, thẻ bảo hiểm y tế… Mặt khác còn thực hiện chương trình “Sữa cho em” được tổng cộng 22.400 hộp, chai sữa nước các loại và 6.270 hộp sữa bột. Thời gian qua, các cấp Hội đã trao 5 sổ tiết kiệm, nhân dịp lễ tết tặng quà, chi phí hỗ trợ học tập với tổng số tiền trên 300 triệu đồng. 

Điểm nổi bật là nhờ sự tích cực kết nối của các cơ sở Hội, nhiều cán bộ, hội viên phụ nữ tự nguyện nhận làm mẹ đỡ đầu như: Hội LHPN Phường 24 kết nối cô Nguyễn Thị Lộc làm “Mẹ đỡ đầu” cho em Lê Minh Hiếu (sinh năm 2007) cha mất vì Covid-19, hiện sống cùng bà nội, mẹ và chị gái. Trước khi mất, ba em là lao động chính trong gia đình. Giờ đây mọi việc trong ngoài đều do mẹ lo toan gánh vác. Thấu hiểu nỗi đau của đứa trẻ có đầy đủ cha mẹ, bất ngờ mất đi người thân yêu, cô Lộc luôn an ủi, động viên em cố gắng học tập. Chuẩn bị cho năm học mới, cô vận động hỗ trợ sách vở, dụng cụ học tập, đồng phục học sinh để em thấy được sự an tâm, vững tin tiếp tục vào học bậc THPT. Không những chăm lo về mặt tinh thần, cô Lộc còn vận động nơi Hiếu học tiếng Anh giảm học phí 50%. Là một giáo viên về hưu, có bề dầy kinh nghiệm trong giảng dạy, cô Lộc còn truyền thụ thêm kiến thức văn hóa, kỹ năng sống, tư vấn tâm lý, sức khỏe, tạo điều kiện để Hiếu được phát triển toàn diện. Nhờ được sự quan tâm, tình yêu thương bao la của “Mẹ đỡ đầu”, Hiếu từng bước lấy lại sự cân bằng, vui vẻ, cởi mở, hòa đồng, chuyên tâm học tập. Năm học vừa qua, Hiếu đạt học sinh khá. 

Hoặc như Má Đoàn Thị Bon, năm nay đã 88 tuổi, đã từng nuôi giấu cán bộ cao cấp thời kỳ kháng chiến, căn nhà của Má ở hiện là “Địa chỉ đỏ” của quận. Má Bon không khỏi đau lòng trong thời bình vẫn chứng kiến những mất mát đau thương của người dân, nhất là trẻ em mồ côi do đại dịch Covid-19. Dù tuổi cao sức yếu, Má Bon vẫn nhận đỡ đầu em Đoàn Văn Minh (sinh năm 2009). Lúc ba Minh bỏ đi khi mẹ bụng mang dạ chửa. Má Bon giúp mẹ Minh có chỗ ở và giới thiệu việc làm tại Cục quản trị T.78 - Văn phòng Trung ương Đảng. Một mình mẹ Minh vừa đi làm vừa nuôi con ăn học. Thế nhưng đại dịch đã cướp đi người mẹ duy nhất để lại em cô độc giữa cuộc đời. Má Bon tâm sự: “Đại dịch đã cướp đi người quen, thân thiết của tôi. Chính vì vậy, tôi càng đau lòng và không thể làm ngơ trước hoàn cảnh côi cút của đứa trẻ đáng thương này. Tôi coi Minh như con cháu trong nhà. Vì vậy, tôi cùng gia đình có trách nhiệm chung tay chăm lo, nuôi dạy cháu Minh cho đến khi trưởng thành”.

Hội Phụ nữ Nhà hát kịch nói Quân đội, Cơ quan Cục Chính trị Quân khu 7  nhận đỡ đầu, chăm lo học bổng cho em Võ Anh Thư
Hội Phụ nữ Nhà hát kịch nói Quân đội, Cơ quan Cục Chính trị Quân khu 7 nhận đỡ đầu,
chăm lo học bổng cho em Võ Anh Thư

Bên cạnh đó, chương trình này còn nhận được sự quan tâm đặc biệt của nhiều tổ chức, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp. Với nguồn quỹ ủng hộ 30 triệu đồng do cán bộ, chiến sĩ, nghệ sĩ của Hội Phụ nữ Nhà hát kịch nói Quân đội và Hội phụ nữ Cơ quan Cục Chính trị Quân khu 7, Hội LHPN quận đã tổ chức chăm lo học bổng trong vòng 5 năm cho em Võ Anh Thư, học lớp 8 (Phường 22). Ba của Anh Thư mất do dịch Covid-19, mẹ bán vé số trang trải cuộc sống hằng ngày. Bà Nguyễn Thị Huỳnh Anh, mẹ của Anh Thư xúc động nói: “Đây là niềm động viên rất lớn cho gia đình chúng tôi. Nhất là giúp cháu Thư có thêm nguồn trang trải kinh phí học tập, vượt qua khó khăn, học thật giỏi để trở thành người sống có lý tưởng, có ích cho xã hội”. Riêng Công ty TNHH Thương mại - Đầu tư Tươi Mart nhận đỡ đầu 2 trường hợp trong vòng 5 năm với số tiền 12 triệu đồng/ năm. Ngoài ra còn có thể kể thêm như: Hội LHPN Phường 7, 11, 19, 21, 24 đã vận động được tổng số tiền 109,8 triệu đồng từ hội viên và các nhà hảo tâm để hỗ trợ, đỡ đầu 33 trẻ mồ côi trong vòng 1 đến 2 năm. Hiện nay, Hội LHPN các phường vẫn tiếp tục tuyên truyền, vận động nhiều tập thể, cá nhân, doanh nghiệp hưởng ứng nhận đỡ đầu các trẻ chưa được hỗ trợ nhằm góp phần xoa dịu nỗi đau, ổn định tâm sinh lý cho các cháu trong quá trình trưởng thành.

 Bà Nguyễn Thị Loan, QUV, Chủ tịch Hội LHPN quận cho biết: “Điều đáng mừng là chương trình “Mẹ đỡ đầu - kết nối yêu thương” được triển khai chưa lâu nhưng đã nhận được sự đồng thuận, hưởng ứng cao của cán bộ, hội viên phụ nữ và các ban ngành, đoàn thể, cơ quan, doanh nghiệp, mạnh thường quân, nhờ đó đã nối rộng vòng tay, kết nối yêu thương, giúp đỡ trẻ em hoàn cảnh khó khăn”

Chương trình “Mẹ đỡ đầu” do Hội LHPN quận thực hiện đã và đang lan tỏa, truyền đi tinh thần nhân văn cao đẹp, không chỉ khẳng định vai trò, vị trí của tổ chức Hội, mà còn giúp trẻ em hoàn cảnh khó khăn có cơ hội được chăm sóc, học tập trong tình yêu thương của cộng đồng.

Các đơn vị, doanh nghiệp hưởng ứng chương trình “Mẹ đỡ đầu - kết nối  yêu thương” chăm lo cho trẻ mồ côi bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.
Các đơn vị, doanh nghiệp hưởng ứng chương trình “Mẹ đỡ đầu - kết nối yêu thương”
chăm lo cho trẻ mồ côi bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19
.

Giữ vững lá cờ đầu trong phong trào hiến máu tình nguyện

 • HỘI CHỮ THẬP ĐỎ QUẬN

Trao Kỷ niệm chương cho các cá nhân hiến máu nhiều lần.
Trao Kỷ niệm chương cho các cá nhân hiến máu nhiều lần.

Hoạt động hiến máu tình nguyện là hoạt động xã hội có ý nghĩa nhân đạo, mang tính nhân văn sâu sắc, là hành động cao cả, một nghĩa cử cao đẹp thể hiện sự hiểu biết, lòng nhân ái và trách nhiệm của mỗi cá nhân với cộng đồng; thể hiện sâu sắc truyền thống tương thân tương ái của dân tộc ta. 

Hội Chữ thập đỏ quận luôn xác định công tác tuyên truyền, vận động hiến máu tình nguyện là một hoạt động xã hội, một hành động nhân ái, một nghĩa cử cao đẹp phù hợp với truyền thống nhân đạo của dân tộc Việt Nam mang tính nhân văn sâu sắc “Hiến máu cứu người”, “Một giọt máu cho đi, một cuộc đời ở lại”. Thời gian qua, phong trào hiến máu tình nguyện của quận được duy trì thường xuyên và liên tục, lượng máu tiếp nhận để cấp cứu và điều trị cho bệnh nhân hằng năm tăng cả về số lượng và chất lượng. 

Tuy nhiên trong năm 2021, công tác vận động hiến máu tình nguyện của quận gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Nguồn vận động hiến máu của quận chủ yếu từ lực lượng sinh viên của các trường đại học trú đóng trên địa bàn nhưng do phải giãn cách xã hội nên không thể thực hiện. Mặt khác, để đảm bảo công tác phòng, chống dịch, nên không tổ chức các đợt hiến máu lưu động tại địa bàn dân cư. Với những khó khăn trở ngại khách quan như thế, các chỉ tiêu hiến máu không thể đảm bảo, Hội chủ động xây dựng kế hoạch vận động hiến máu tình nguyện theo lộ trình phù hợp. Trong đó có sáng kiến tổ chức múi giờ lệch giữa những người đến hiến máu, chia giờ từng khu phố. Đặc biệt là đảm bảo quy trình phòng, chống dịch Covid-19, thực hiện 5K, đo thân nhiệt, khai báo y tế, khử khuẩn… cho những người tham gia. Trong điều kiện phải thực hiện giãn cách, Hội chủ động tham mưu bằng việc gửi thư ngỏ đến các cá nhân, tổ chức doanh nghiệp, các khu nhà trọ sinh viên, đến từng nhà dân… vận động tham gia hiến máu tại Trung tâm hiến máu Thành phố và được nhiều cá nhân, đơn vị, tổ chức tham gia. Từ đó, Hội Chữ thập đỏ quận được thành Hội đánh giá là đơn vị đạt số ca hiến máu dẫn đầu so với các quận, huyện khác.

Phong trào hiến máu tình nguyện được mọi tầng lớp Nhân dân hưởng ứng  tham gia.
Phong trào hiến máu tình nguyện được mọi tầng lớp Nhân dân hưởng ứng tham gia. 

Ngay từ đầu năm 2022, quận Hội tập trung chỉ đạo các cấp Hội cơ sở quan tâm đẩy mạnh công tác vận động người dân tham gia hiến máu. Đồng thời, vận động Nhân dân và các ban, ngành, đoàn thể, cơ quan, doanh nghiệp và lực lượng hiến máu dự bị tham gia hiến máu vào các đợt như: chiến dịch “Lễ hội Xuân hồng năm 2022”, chiến dịch “Những giọt máu hồng hè”… Qua đó, đã vận động được các đơn vị: Quận Đoàn, Công ty TNHH Một thành viên Dịch vụ công ích, Liên đoàn Lao động quận, Ban chỉ huy Quân sự quận và đông đảo các tầng lớp Nhân dân hưởng ứng. Kết quả có 9.545/7.242 lượt người tham gia hiến máu (đạt 131,8% so với chỉ tiêu). Đây cũng là số ca hiến máu cao nhất so với 21 quận, huyện còn lại. 

Cũng qua phong trào này, xuất hiện nhiều gương tích cực tham gia hiến máu tình nguyện được quận, Thành phố, Trung ương biểu dương, khen thưởng. Điển hình như anh Trần Quang Thuận (Phường 15) với 42 lần hiến máu. Anh là một trong những cá nhân có thành tích xuất sắc được Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam trao tặng Kỷ niệm chương Vì sự nghiệp nhân đạo. Anh Thuận chia sẻ: “Sau mỗi lần hiến máu, tôi cảm thấy sức khỏe vẫn bình thường. Cộng với việc ăn uống điều độ và rèn luyện thể dục thể thao, bản thân vẫn duy trì được thể lực và ít bị bệnh tật”. Việc làm thiện nguyện của anh đang được các thành viên trong gia đình và bạn bè ủng hộ. Nhưng ít ai biết được, để nhận được sự ủng hộ này, anh Thuận đã phải kiên định giữ vững lập trường qua bao thử thách và sức ép ban đầu. “Trước đây, gia đình tôi khi nghe đến hiến máu thì đều có tâm lý rất sợ. Lúc đó, người ta nghĩ máu lấy đi thì sẽ mất lượng máu đó không thể tái tạo lại nên đã phản đối rất nhiều. Tôi chỉ còn cách dùng hành động để chứng minh cho lời nói của mình. Cứ 3, 4 tháng, tôi lại đi hiến máu một lần. Sau một khoảng thời gian thì gia đình đã hiểu và ủng hộ tôi”, anh Thuận cho biết. Hiện nay, vợ và các con anh Thuận đều tích cực tham gia hiến máu tình nguyện. Nhất là vợ anh đã có 44 lần hiến máu. Với thành tích này, gia đình anh Trần Quang Thuận được Thành phố đề xuất Trung ương khen thưởng gia đình hiến máu. Hay anh Nguyễn Hoàng Nhơn (Phường 1) là một trong 100 gương hiến máu được vinh danh tại lễ tôn vinh người hiến máu tiêu biểu toàn quốc năm 2022 diễn ra tại Hà Nội vào cuối tháng 8 vừa qua. Người đàn ông 58 tuổi này với 69 lần hiến máu cho biết: “Đây là niềm vinh dự đối với tôi, khi được trực tiếp gặp mặt các vị lãnh đạo Đảng và Nhà nước tại Hà Nội. Đây cũng chính là động lực để bản thân tôi cố gắng phấn đấu để làm những việc có ích cho cộng đồng nhiều hơn nữa”.

Với kết quả này đã nói lên sự chủ động, linh hoạt của cán bộ Hội trong vận động thực hiện hiến máu theo lộ trình, đáp ứng tốt nhu cầu trong tình hình dịch bệnh phức tạp vừa qua. Cũng chính từ nhạy bén đã tạo được sự chuyển biến quan trọng trong nhận thức tạo sự yên tâm về hiến máu tình nguyện trong giai đoạn phòng chống dịch bệnh hiệu quả đối với mỗi cá nhân, tập thể khi tham gia. Hiến máu là việc làm nhân đạo xã hội, là nghĩa cử nhân đạo cao đẹp của mỗi người, thể hiện nếp sống văn minh hiện đại, bởi đó là những giọt máu nghĩa tình, thể hiện lòng nhân ái, tính cộng đồng. Do đó, mỗi người chúng ta hãy tham gia hiến máu và vận động mọi người cùng tham gia: bởi máu từ trái tim ta được truyền đến trái tim của người khác sẽ mang theo trong đó tình yêu thương nhân loại bao la.

Đông đảo CNVC-LĐ tham gia phong trào hiến máu tình nguyện.
Đông đảo CNVC-LĐ tham gia phong trào hiến máu tình nguyện.

Lực lượng vũ trang quận Bình Thạnh - Thực hiện có hiệu quả mô hình tăng gia

XUÂN HƯNG


Là người sáng lập, lãnh đạo và rèn luyện Quân đội nhân dân Việt Nam, sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy: “Các cơ quan trong Quân đội phải cố sức trồng trọt chăn nuôi để tự túc phần nào, để giảm bớt gánh nặng của Nhân dân”, “Tăng gia sản xuất và thực hành tiết kiệm là hai việc cần thiết nhất để phát triển chế độ dân chủ nhân dân tiến dần lên chủ nghĩa xã hội”.


Thấm nhuần lời Bác Hồ dạy, từ khi ra đời cho đến nay, “Đội quân sản xuất, tích cực lao động tăng gia sản xuất cải thiện đời sống” không chỉ là chức năng, nhiệm vụ, mà đó còn là nét đẹp truyền thống của Quân đội ta trong suốt quá trình thực hiện nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Riêng tại quận Bình Thạnh, quán triệt, thực hiện nghiêm Nghị quyết 623-NQ/ QUTW của Quận ủy Trung ương về “công tác hậu cần quân đội đến năm 2020 và những năm tiếp theo”; sự chỉ đạo của Thủ trưởng Bộ Tư lệnh Thành phố Hồ Chí Minh về việc đẩy mạnh công tác tăng gia sản xuất, thực hành tiết kiệm, những năm qua, cấp ủy, chỉ huy các cơ quan, đơn vị lực lượng vũ trang quận nhà luôn nhận thức sâu sắc vị trí, ý nghĩa quan trọng của công tác hậu cần nói chung, tăng gia sản xuất, thực hành tiết kiệm nói riêng. Việc cải thiện đời sống vật chất, tinh thần, nâng cao chất lượng tổng hợp, sức chiến đấu của lực lượng vũ trang luôn được đẩy mạnh bằng nhiều nội dung, biện pháp thiết thực, phù hợp với đặc điểm, nhiệm vụ và điều kiện của từng cơ quan, đơn vị, thu hoạch được nhiều kết quả tích cực.

Đồng chí Đinh Viết Tân, Phó Chỉ huy trưởng Ban chỉ huy Quân sự Phường 26 hướng dẫn chiến sĩ dân quân phường cách thu hoạch rau thủy canh.
Đồng chí Đinh Viết Tân, Phó Chỉ huy trưởng Ban chỉ huy Quân sự Phường 26 hướng dẫn
chiến sĩ dân quân phường cách thu hoạch rau thủy canh.



Với đặc thù của điều kiện nội thành trụ sở làm việc nhỏ các cơ quan, đơn vị trong lực lượng vũ trang quận, nơi ăn ở và sinh hoạt tương đối chật hẹp. Do đó, khi xác định chủ trương, biện pháp lãnh đạo nhiệm vụ tăng gia sản xuất, Đảng ủy, Ban chỉ huy Quân sự tập trung quán triệt, giáo dục cho cán bộ, chiến sĩ LLVT quận về ý nghĩa thiết thực của công tác này. Đây không chỉ là cải thiện đời sống, mà thông qua hoạt động tăng gia sản xuất góp phần giáo dục cho chiến sĩ nhận thức đầy đủ hơn chức năng, nhiệm vụ quân đội, rèn luyện đức tính chăm chỉ, yêu quý cây xanh của người chiến sĩ; qua đó góp phần xây dựng cảnh quan tại các cơ quan, đơn vị hài hòa, xanh, sạch, đẹp.

Để đảm bảo cho việc triển khai thực hiện hiệu quả, lãnh đạo đơn vị chỉ đạo Ban Hậu cần phối hợp cùng Ban chỉ huy Quân sự các phường khảo sát tình hình thực tế để có kế hoạch phù hợp với điều kiện của đơn vị mình. Giải pháp trước tiên là triệt để tận dụng các khoảng trống trong khuôn viên trụ sở, hành lang, trên sân thượng... để bố trí các kệ, thùng xốp hoặc làm giàn leo, giàn trồng rau thủy canh. Để giúp mọi người thực hiện có hiệu quả, đơn vị tổ chức các lớp tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật ươm giống, chăm sóc, thu hoạch.

Đến nay, toàn quận có 6 đơn vị làm kệ, trồng rau trong thùng xốp: Ban chỉ huy Quân sự Phường 1, 3, 5, 11, 24, 25 và 6 đơn vị trồng rau trong thùng xốp kết hợp giàn leo: Ban chỉ huy Quân sự Phường 2, 6, 7, 13, 14, 17 cùng với 7 đơn vị trồng rau thủy canh Phường 12, 15, 19, 21, 22, 26, 27. Riêng Ban chỉ huy Quân sự Phường 28 áp dụng phương pháp trồng rau mặt đất kết hợp giàn leo. Để duy trì tốt phong trào tăng gia, ngoài việc thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn, định kỳ mỗi quý Ban chỉ huy Quân sự quận to chức đi thực tế để các đơn vị có dịp học hỏi kinh nghiệm lẫn nhau. Đồng thời còn gắn trách nhiệm của Bí thư Đảng ủy, cấp ủy, chính quyền địa phương trong lãnh đạo trong công tác tăng gia của LLVT trên địa bàn.

Bằng sự động viên thường xuyên của Đảng ủy, Ban chỉ huy Quân sự quận; sự theo dõi, giúp đỡ hướng dẫn về chuyên môn của Ban Hậu cần - Kỹ thuật; ý thức trách nhiệm của các cấp ủy, chỉ huy và mỗi cán bộ, chiến sĩ, công tác tăng gia của 20 phường đã đi vào nền nếp. Nhiều đơn vị tự bảo đảm được 30 - 50% rau xanh cho bếp ăn tập trung; tiêu biểu là Ban chỉ huy Quân sự Phường 26, với 4 giàn trồng rau thủy canh (400 ô trồng) và 10 chậu trồng đất đã cơ bản tự đảm bảo rau xanh cho bếp ăn tại chỗ. Riêng tại cơ quan Ban chỉ huy Quân sự quận, đầu tư hơn 40 triệu đồng làm 5 dàn kệ 3 tầng (với 45 chậu); 2 dàn trồng rau thủy canh (24 chậu) để trồng các loại rau ăn lá và rau gia vị...; làm 1 giàn trồng cây leo (bầu, bí, mướp, tùy theo từng thời điểm trong năm). Bình quân mỗi tháng thu từ 40 đến 60 kg rau, quả, phục vụ đủ bếp ăn tập thể, góp phần cải thiện dinh dưỡng hằng ngày cho cán bộ, chiến sĩ.

Cán bộ, chiến sĩ làm đất, tưới nước.
Cán bộ, chiến sĩ làm đất, tưới nước.

Có thể nói việc tổ chức tăng gia của các cơ quan, đơn vị trong LLVT quận Bình Thạnh tuy còn hạn chế, nhưng cơ bản thu hoạch được nhiều loại sản phẩm để cải thiện bữa ăn hằng ngày. Việc đưa vào bữa ăn những thành quả do chính bàn tay cán bộ, chiến sĩ đơn vị gieo trồng, chăm sóc không chỉ góp phần cải thiện đời sống; mà hơn hết, còn có ý nghĩa giáo dục, rèn luyện về tính tích cực, chủ động trong thực hiện chức năng “Đội quân lao động sản xuất” của quân đội nhân dân Việt Nam. Qua đó, tạo mối quan hệ đoàn kết gắn bó; vun đắp tình cảm, trách nhiệm của mỗi cán bộ, chiến sĩ với nhiệm vụ xây dựng cơ quan, đơn vị. Cũng từ trong lao động, giúp cán bộ, chiến sĩ , gắn bó hơn với “ngôi nhà thứ hai” của mình, tích cực xây dựng cơ quan, đơn vị vững mạnh toàn diện “Mẫu mực tiêu biểu”, góp phần đảm bảo cho lực lượng vũ trang quận hoàn thành thắng lợi mọi nhiệm vụ được giao.

Chiến sĩ dân quân phường thu hoạch rau thủy canh.
Chiến sĩ dân quân phường thu hoạch rau thủy canh.

Những kết quả bước đầu trong thực hiện Đề án 06

• KIM  HÒA

Đề án của Chính phủ về Phát triển ứng dụng dữ liệu dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030 (gọi tắt là Đề án 06) là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong tiến trình chuyển đổi số toàn diện. Thời gian qua quân Bình Thạnh đã tích cực triển khai các nhiệm vụ của Đề án này bằng nhiều giải pháp đồng bộ, thu được những kết quả bước đầu khả quan.

Xác định Đề án 06 của Chính phủ là nhiệm vụ chính trị hết sức quan trọng, không chỉ góp phần thực hiện thắng lợi công tác chuyển đổi số, mà còn đem lại giá trị to lớn cho đời sống của Nhân dân, phát triển kinh tế - xã hội. Do đó trong năm 2022 quận huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị của 20 tổ công tác phường và 89 tổ công tác khu phố với 917 thành viên các ban ngành, đoàn thể, khu phố, tổ dân phố và các công dân ưu tú cùng tham gia. Đặc biệt là huy động tất cả cán bộ, chiến sĩ Công an quận và các phường thực hiện đồng bộ các giải pháp, khắc phục mọi khó khăn để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Các đơn vị nghiệp vụ Công an tổng rà soát thông tin công dân chuyển đổi từ quản lý thủ công lên hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Mỗi cán bộ chiến sĩ không ngừng học tập, nâng cao trình độ chuyên môn, áp dụng các giải pháp để kiểm tra, đối sánh, cập nhật, chỉnh sửa các thông tin của công dân trên dữ liệu đảm bảo luôn chính xác, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho công dân thực hiện các thủ tục hành chính thông qua dịch vụ công điện tử hiệu quả nhất, tiết kiệm thời gian, công sức.

Riêng về công tác tuyên truyền luôn được xem là nhiệm vụ quan trọng, phải đi trước một bước, vì thế các đơn vị chức năng đã tập trung đẩy mạnh tuyên truyền sâu rộng bằng nhiều hình thức đa dạng, phong phú. Công an quận phối hợp với Ban Tuyên giáo Quận ủy xây dựng hàng chục clip và nhiều poster hướng dân thủ tục đăng ký tài khoản, đăng nhập và thực hiện dịch vụ công trực tuyến các lĩnh vực thiết yếu; hướng dân thủ tục dịch vụ công trực tuyến, khai báo tạm trú trực tuyến cho người nước ngoài trên Bản tin Gia Định; qua hệ thống loa phát thanh tại địa bàn phường; trên nhóm Zalo, Facebook và bài viết trên Fanpage Công an quận, phường cũng như đăng tải trên Cổng thông tin điện tử của quận, Công an quận; phát tờ rơi, treo pano, áp phích...

Công an quận tiếp nhận máy tính từ các doanh nghiệp để phục vụ Đề án 06.
Công an quận tiếp nhận máy tính từ các doanh nghiệp để phục vụ Đề án 06.           
Cùng với công tác tuyên truyền, việc nhanh chóng hoàn thiện dữ liệu dân cư cũng được lực lượng Công an quận, phường thực hiện đồng bộ, đảm bảo nguồn dữ liệu luôn trong trạng thái “đúng - đủ - sạch - sống”. Tổ chức triển khai thực hiện đợt cao điểm thu nhận gần 388.000 lượt hồ sơ làm căn cước công dân (CCCD) gắn chip điện tử. Công an phường là những lực lượng nòng cốt đi từng ngõ, gõ từng nhà để khảo sát, tuyên truyền vận động từng trường hợp. Song song đó, phối hợp Ban giám hiệu các trường THPT và THCS đưa rước trên 500 học sinh đến điểm làm CCCD phục vụ kỳ thi tuyển sinh Đại học và tốt nghiệp THCS. Ngoài ra còn tổ chức thu nhận 1.475 hồ sơ tại nhà đối với những trường hợp già yếu, bệnh tật, tạo được sự phấn khởi đối với người dân. Thông qua việc áp dụng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư đã giải quyết có hiệu quả cấp CCCD cho các trường hợp tạm trú xa nhà, không phải trở về Công an nơi thường trú, tiết kiệm chi phí phát sinh. Cũng cần nói thêm, do tình hình diễn biến dịch Covid-19 phức tạp, hạn chế tập trung đông người đến nhận thẻ CCCD, Ban chỉ huy Công an quận chỉ đạo cảnh sát khu vực cùng với sự hỗ trợ của đoàn viên thanh niên quận tiếp nhận và trao trả gần 368.000 thẻ CCCD tận nhà cho người dân.

Đến nay, quận đã hoàn thành việc kết nối dữ liệu dân cư và hệ thống một cửa điện tử. Đặc biệt là đảm bảo 100% xác thực định danh điện tử và kết nối một số hệ thống thông tin thuộc các ngành, lĩnh vực trọng yếu như: thực hiện xác thực định danh điện tử mức độ 1 và 2 được tích hợp thông tin công dân như Bảo hiểm xã hội, đăng ký xe, giấy phép lái xe,... tại Công an quận (đối với công dân chưa được cấp thẻ CCCD gắn chip) và Công an các phường (đối với công dân đã được cấp thẻ CCCD gắn chip). Qua tổng hợp, tính đến giữa tháng 11/2022, quận thu nhận 18.560 hồ sơ định danh điện tử mức độ 2 trên cổng dịch vụ công quốc gia; tiếp nhận giải quyết 14.920 hồ sơ đăng ký cư trú các loại qua dịch vụ công trực tuyến.

Công an quận đến nhà làm CCCD cho đối tượng người già yếu, bệnh tật.
Công an quận đến nhà làm CCCD cho đối tượng người già yếu, bệnh tật.

 Qua thực hiện nhiệm vụ rút ra một trong những cách làm sáng tạo, đem lại nhiều chuyển biến tích cực trong việc nâng cao nhận thức của người dân đối với công tác này là quận đã chủ động thành lập các điểm hướng dẫn dịch vụ công ngay tại các khu phố. Các tổ công tác này hướng dẫn từng người dân về thao tác đăng ký, kích hoạt tài khoản định danh điện tử mức độ 1, 2, thực hiện 25 dịch vụ công thiết yếu như đăng ký giải quyết thường trú, tạm trú, lưu trú, khai báo cư trú. Để tạo thuận lợi hơn nữa cho người dân lao động không có máy tính hoặc điện thoại thông minh, tại đây còn bố trí máy tính kết nối Internet để thực hiện trực tiếp.

Với nhiều hoạt động thiết thực, sự quyết liệt, sâu sát của các cấp lãnh đạo, sự vào cuộc đồng bộ của các ban ngành, đoàn thể, cơ quan, tổ chức và sự đồng lòng ủng hộ của người dân, công cuộc chuyển đổi số trên địa bàn quận đã đạt được các chỉ tiêu cơ bản, góp phần thay đổi phương thức quản lý mang tính hiện đại. Nhờ đó đã nâng cao chất lượng, hiệu quả trong quản lý thông tin công dân và đây cũng là nền tảng quan trọng để triển khai dịch vụ công trực tuyến, phục vụ người dân và doanh nghiệp, góp phần đẩy mạnh Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số trong thời gian tới. □

Bài viết nổi bật

Đại hội Câu lạc bộ Truyền thống kháng chiến quận lần thứ III, nhiệm kỳ 2024 - 2029

 Ngày 29/11/2024, Câu lạc bộ Truyền thống kháng chiến quận tổ chức Đại hội lần thứ III, nhiệm kỳ 2024 - 2029.  Tham dự có các anh hùng lự...

Bài viết phổ biến