Chủ Nhật, 31 tháng 12, 2023

Biểu dương cán bộ Hội phụ nữ giỏi

 Ngày 16/12/2023, Hội LHPN Phường 7 tổ chức biểu dương cán bộ Hội giỏi năm 2023.

 Có 41 gương được biểu dương là những cán bộ năng động, tâm huyết trong các hoạt động, thúc đẩy phong trào Hội Phường 7 ngày càng phát triển, góp phần tích cực hoàn thành các mục tiêu kinh tế - xã hội của địa phương. 

Đồng chí Trần Thị Thu Trang, Bí thư Đảng ủy phường biểu dương những đóng góp của cán bộ Hội thời gian qua. Đồng thời tin tưởng thời gian tới tập thể Hội luôn phát huy tinh thần đoàn kết, thống nhất, sẻ chia giúp đỡ nhau để thực hiện tốt các nhiệm vụ chính trị của phường. Trọng tâm là đẩy mạnh các phong trào phụ nữ với phát triển kinh tế, xây dựng gia đình hạnh phúc; chú trọng xây dựng tổ chức Hội vững mạnh, xây dựng đội ngũ cán bộ Hội đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ và hội nhập quốc tế...

 COH

Cán bộ Hội Chữ thập đỏ luôn nhiệt huyết với công tác xã hội nhân đạo

• LIỄU TRƯƠNG 

Sinh thời Bác Hồ từng nói: “Mỗi người tốt, mỗi việc tốt là một bông hoa đẹp. Cả dân tộc ta là một rừng hoa đẹp”. Trong rừng hoa đẹp ấy, không thể không nhắc đến chị Võ Thị Kim Phụng, nguyên Y sĩ, Phó Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ Phường 22. Chị là một cán bộ Hội nhiệt tình, năng động, sáng tạo, giỏi chuyên môn nghiệp vụ, cùng với bề dày kinh nghiệm trên 35 năm làm công tác hội đoàn, xây dựng phong trào xã hội nhân đạo, chăm sóc sức khỏe Nhân dân. 

Bắt đầu tham gia công tác địa phương từ những năm 1975 đến 1978, với các công việc như: xóa mù chữ, Bí thư Đoàn phường… chị Kim Phụng luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Từ năm 1979 đến 2014, chị tham gia quân đội và làm công tác Quân y tại Bệnh viện 7 C (Bệnh viện Quân dân y Miền Đông), sau đó chuyển ngành, công tác tại Nhà máy Xi măng Sài Gòn, tiếp đó chuyển sang làm việc tại Bệnh viện An Bình. Ngoài chức trách người y bác sĩ, làm tốt công tác chăm sóc sức khỏe Nhân dân, tại những nơi làm việc, chị Kim Phụng đều đón nhận sự yêu mến, tin tưởng của lãnh đạo, đề cử giữ nhiều chức vụ Phó Bí thư, Bí thư Đoàn, Phó Chủ tịch Công đoàn, Phó Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ tại cơ quan, đơn vị. Dù ở cương vị nào, chị luôn quan tâm, chăm lo đời sống hội viên, đoàn viên, công nhân viên, đồng thời thường xuyên tổ chức đoàn đến thăm, tặng quà và khám bệnh nhân đạo tại địa phương và vùng sâu vùng xa. Năm 2014 về hưu, nhưng chị Kim Phụng vẫn tham gia công tác địa phương và giữ nhiệm vụ như đã nêu trên. Chị luôn sâu sát gần gũi với mọi người, hiểu rõ các hoàn cảnh khó khăn của người dân trong phường. Với tấm lòng nhân ái, chị đã hỗ trợ vận động tặng quà cho người nghèo của địa phương và ngoài tỉnh, năm 2023 chị Kim Phụng đến nhà khám bệnh, cấp thuốc cho 15 cụ già khuyết tật, bệnh hiểm nghèo, đau ốm thường xuyên với kinh phí 6 triệu đồng từ nguồn tiền lương hưu, tiết kiệm của chị. Cùng với đoàn thầy thuốc tình nguyện Hội Chữ thập đỏ Phường 22 và của Hội Chữ thập đỏ quận Bình Thạnh, các mạnh thường quân, nhóm thiện nguyện trong và ngoài quận đến khám bệnh và tặng quà cho 100 cụ già neo đơn trên địa bàn quận; tham gia chuyến cứu trợ, khám bệnh, tư vấn sức khỏe và tặng quà Tết cho 300 người dân tại xã An Thạnh, huyện Đông Hải, tỉnh Bạc Liêu. Đồng hành cùng với Tịnh xá Ngọc Sơn phường Tân Phước, thị xã Phú Mỹ, tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu tổ chức Trăng rằm yêu thương cho 350 em thiếu nhi, các chú tiểu. Trong công tác, chị luôn có những lời khuyên, ý tưởng, chia sẻ những kinh nghiệm để giúp cho phong trào phường nhà hoạt động ngày càng tốt hơn. Ngoài ra, chị Kim Phụng còn thực hiện tốt công tác tuyên truyền vận động, xã hội nhân đạo, khám chữa bệnh, tiếp sức đến trường được tổ chức hằng năm, vận động và trao học bổng, hàng trăm phần quà gồm áo quần, sách vở, dụng cụ học tập và tiền mặt cho học sinh nghèo hiếu học của phường và ngoài địa phương. Không chỉ hết mình trong công tác dân vận, chị Kim Phụng còn là gương sáng về tinh thần tự học và sáng tạo, luôn rèn luyện, giữ vững phẩm chất kiên định của người đảng viên. Nhiều năm liền chị được công nhận lao động tiên tiến, được nhận giấy ghi công xóa mù chữ, các loại kỷ niệm chương vì sự nghiệp giáo dục, vì sự phát triển phụ nữ, vì sự nghiệp khuyến học. 

 Với sự nỗ lực cống hiến trong hoạt động nhân ái, thiện nguyện, chị Võ Thị Kim Phụng nhận được nhiều Bằng khen, Giấy khen của Trung ương Hội, của Thành phố cũng như của các đơn vị khác. Đặc biệt, chị Kim Phụng được khen thưởng và báo cáo điển hình tại hội nghị “Hoa việc thiện” do Hội Chữ thập đỏ Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức năm 2014. Chị là một trong những gương “Người tốt việc thiện”; là bông hoa đẹp giữa một rừng hoa đẹp.■

Chị Võ Thị Kim Phụng (bìa trái) thăm khám, phát thuốc  miễn phí cho người già. (Ảnh: L. Trương)
Chị Võ Thị Kim Phụng (bìa trái) thăm khám, phát thuốc miễn phí cho người già. (Ảnh: L. Trương) 

Chương trình cà phê sáng thứ 5

 Ngày 14/12/2023, Hội doanh nghiệp quận tổ chức chương trình cà phê sáng thứ 5, chủ đề “ Giải pháp tiếp cận vốn ngân hàng, giao thương kết nối sản phẩm Tết”. 

Tham dự có ông Nguyễn Đức Lệnh, Phó Giám đốc ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam Chi nhánh TPHCM; lãnh đạo các ngân hàng thương mại cổ phần trên địa bàn TPHCM và quận Bình Thạnh. Về phía lãnh đạo quận có đồng chí Đặng Minh Nguyên, QUV, Phó Chủ tịch UBND quận; lãnh đạoVăn phòng UBND quận, phòng Kinh tế, Lao động Thương binh và Xã hội, cùng các doanh nghiệp, doanh nhân hoạt động trên địa bàn quận. 

Ông Nguyễn Tu Mi, Chủ tịch Hội doanh nghiệp quận cho biết cà phê sáng thứ 5 hằng tuần nhằm tạo cầu nối giao thương, chia sẻ các khó khăn của doanh nghiệp trên địa bàn về chính sách cũng như tư vấn các giải pháp để cùng đạt hiệu quả kinh doanh. Là dịp để các doanh nghiệp nêu lên những khó khăn, vướng mắc trong tiếp cận vốn ngân hàng để có những tháo gỡ vướng mắc kịp thời.

Giao lưu giữa lãnh đạo quận, ngân hàng và doanh nghiệp.  (Ảnh: MD)
Giao lưu giữa lãnh đạo quận, ngân hàng và doanh nghiệp. (Ảnh: MD)

Ông Nguyễn Huy Hào, Giám đốc Agribank chi nhánh Bình Thạnh chia sẻ tăng trưởng tín dụng hiện nay khá khó khăn, đặc biệt trong 9 tháng của năm 2023. Vừa qua, ngân hàng cấp hạn mức tín dụng khoảng 500 tỷ đồng cho doanh nghiệp nhưng đến cuối tháng 11 chỉ mới giải ngân được 50 tỷ đồng. Sau dịch Covid-19, khả năng phục hồi của doanh nghiệp cũng gặp nhiều khó khăn nên nhu cầu vốn không cao. Về lãi vay theo ông Hào, ngân hàng vừa họp bàn giảm khoảng 0,5%/năm lãi suất cho vay đối với các doanh nghiệp trên địa bàn. 

Đại diện các doanh nghiệp phản ánh: hiện nay ngân hàng định giá lại tài sản thế chấp giảm 20 - 30%, đặc biệt đất tại huyện Hóc Môn, Củ Chi giảm tới 40% gây khó khăn trong việc tiếp cận vốn; về nhu cầu vốn để sản xuất hàng Tết hiện nay tăng, ngân hàng có cho vay tín chấp để doanh nghiệp làm hàng tết không; hiện nay các ngân hàng được phép bán nợ cho ngân hàng khác, nhưng khi doanh nghiệp liên hệ ngân hàng thì được hướng dẫn phải trả khoản nợ cũ, sau đó mới chuyển tài sản thế chấp sang ngân hàng kia. Nếu như vậy doanh nghiệp không biết lấy nguồn tiền từ đâu để tất toán… Đại diện các ngân hàng giải thích nguyên nhân doanh nghiệp khó tiếp cận tín dụng là hệ thống sổ sách không chuẩn, hiện nay ngân hàng chấp nhận 2 báo cáo là báo cáo nộp thuế hoặc báo cáo kiểm toán. Nhưng căn cứ các báo cáo này, doanh nghiệp đều báo lỗ nên ngân hàng lại khó cho vay. Tuy nhiên trong dịp cận Tết này nếu khách hàng đang vay ngân hàng mà cần thêm tiền làm hàng tết vẫn có thể được giải quyết cho vay tín chấp. Về vấn đề chuyển nợ, tình trạng doanh nghiệp đang vay ngân hàng này chuyển nợ sang ngân hàng khác đã có từ lâu, doanh nghiệp không phải tất toán khoản vay mới chuyển được nợ đi, quan trọng là doanh nghiệp phải đáp ứng các điều kiện vay mà bên nhận nợ đề ra…

 MỸ DUNG

Sân khấu hóa tuyên truyền phòng, chống xâm hại trẻ em

 Ngày 11/12/2023, Hội LHPN quận phối hợp Phòng Tư pháp, Hội Luật gia, Trường THCS Lê Văn Tám, Trường Đại học Kinh tế - Luật tổ chức chương trình sân khấu hóa tuyên truyền phòng chống xâm hại trẻ em cho trên 2.100 học sinh và giáo viên của trường. 

Tại hội nghị, các em được xem tiểu phẩm “Trẻ người non dạ” minh họa về hành vi xâm hại tình dục và được chia sẻ cách nhận biết hành vi xâm hại tình dục, cách phòng, chống xâm hại tình dục. 

Qua tuyên truyền nhằm giúp các em nâng cao kỹ năng mềm và kiến thức cần thiết phòng chống hành vi xâm hại tình dục. 

BẢO HIẾU

Đội kịch Trường Đại học Luật - Kinh tế trình diễn tiểu phẩm  “Trẻ người non dạ” tại Trường THCS Lê Văn Tám.  (Ảnh: B. Hiếu)
Đội kịch Trường Đại học Luật - Kinh tế trình diễn tiểu phẩm “Trẻ người non dạ”
tại Trường THCS Lê Văn Tám.
(Ảnh: B. Hiếu) 

Tập huấn quy trình hỗ trợ, can thiệp đối với trẻ em bị bạo hành, xâm hại

 Ngày 14/12/2023, UBND Phường 14 tổ chức tập huấn quy trình hỗ trợ, can thiệp đối với trẻ em bị bạo hành, xâm hại và tai nạn thương tích. 

Có trên 50 người là trưởng các ban ngành, đoàn thể phường; cán bộ làm công tác Lao động Thương binh và Xã hội; cộng tác viên làm công tác bảo vệ chăm sóc trẻ em. 

Người dự được hướng dẫn các biện pháp hỗ trợ, can thiệp đối với trẻ em bị bạo lực, xâm hại hoặc có nguy cơ bị bạo lực, bóc lột, bỏ rơi và trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt theo Nghị định số 56/2017/NĐ-CP ngày 09/5/2017 của Chính phủ. Trong đó, cụ thể hóa 6 bước cơ bản của quy trình gồm: Tiếp nhận và phối hợp xử lý thông tin; đánh giá ban đầu mức độ tổn hại của trẻ em bị xâm hại, trẻ em có nguy cơ bị bạo lực, bóc lột, bỏ rơi và trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt; xác định nhu cầu cần hỗ trợ, can thiệp của trẻ em bị xâm hại, trẻ em có nguy cơ bị bạo lực, bóc lột, bỏ rơi và trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt; xây dựng kế hoạch hỗ trợ, can thiệp; thực hiện kế hoạch hỗ trợ, can thiệp; rà soát, đánh giá sau khi thực hiện kế hoạch hỗ trợ, can thiệp.

Người dự còn được bổ sung một số nhận thức về vai trò, trách nhiệm của cán bộ bảo vệ trẻ em và các cán bộ liên quan trong thực hiện quy trình hỗ trợ, can thiệp trẻ em bị bạo lực, xâm hại; hiểu và bước đầu vận dụng các kỹ năng cần thiết để thực hiện các nhiệm vụ trong quy trình hỗ trợ can thiệp đối với mỗi trường hợp trẻ cần sự trợ giúp; nhận thức được tầm quan trọng, vai trò trách nhiệm và các nguyên tắc trong làm việc với trẻ em cần sự trợ giúp.

 AK

Quang cảnh hội nghị tập huấn tại Phường 14. (Ảnh: AK)
Quang cảnh hội nghị tập huấn tại Phường 14. (Ảnh: AK)

Thánh thất cao đài Bình Hòa với mô hình "Bếp 0 đồng - nghĩa tình Mặt trận"

 "Trao đi yêu thương”, đó là thông điệp mà các đạo tâm nam nữ tại Thánh thất Cao đài Bình Hòa hướng đến khi duy trì thực hiện mô hình “Bếp 0 đồng”. 

Tháng 5/2022, Thánh thất Cao đài Bình Hòa là một trong những cơ sở tôn giáo đầu tiên trên địa bàn quận ra mắt “Góc văn hóa, học tập và làm theo Chủ tịch Hồ Chí Minh” các chức sắc, chức việc, đạo hữu đã học tập Bác Hồ về tình yêu thương con người, cùng nhau tiết kiệm để trao nhiều phần quà cho những hộ có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn quận. 

 Tháng 5/2023, Ủy ban MTTQ Việt Nam quận phát động thực hiện mô hình “Bếp 0 đồng - nghĩa tình Mặt trận” và với mong muốn nhân rộng mô hình này, Họ đạo Thánh thất Cao đài Bình Hòa đã cho ra đời mô hình “Bếp 0 đồng nghĩa tình Mặt trận - Thánh thất” liền sau đó. Và cũng từ đó đến nay, vào các ngày mùng 1 và ngày rằm hằng tháng, tại đây tổ chức phát 60 phần cơm chay miễn phí trong khung giờ từ 7g30 đến 10g30. Nguồn kinh phí được huy động từ các mạnh thường quân và sự đóng góp nhiệt tình của các chức sắc, chức việc, đạo hữu trong Họ đạo. Bếp 0 đồng của Thánh thất Cao đài Bình Hòa đã duy trì được 6 tháng với tổng kinh phí thực hiện mô hình trên 14,4 triệu đồng. 

Phần cơm được cho đi không chỉ đơn giản là giúp những người nghèo “no lòng, chắc bụng” mà còn cho thấy tình thương yêu giữa người với người, truyền thống tương thân tương ái, lá lành đùm lá rách tốt đẹp của người Việt Nam. Đây cũng là tấm lòng của các chức sắc, chức việc, đạo hữu của Thánh thất Cao đài Bình Hòa muốn được gửi đến các mảnh đời còn cơ cực, khó khăn. Bên cạnh đó cũng thể hiện tinh thần sống tốt đời, đẹp đạo, cùng xã hội chung tay chăm lo, san sẻ với các hộ nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn quận.

 T. LÂN

Các tín đồ trao suất cơm chay miễn phí cho dân nghèo. (Ảnh: T. Lân)
Các tín đồ trao suất cơm chay miễn phí cho dân nghèo. (Ảnh: T. Lân)

Chỉ đạo các giải pháp phòng, chống bệnh dịch tả heo Châu Phi

  Ngày 11/12/2023, UBND quận triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phòng, chống bệnh dịch tả heo Châu Phi. 

UBND quận chỉ đạo các cơ quan, đơn vị chuyên môn tập trung vận động các chủ cơ sở kinh doanh cam kết không kinh doanh thịt heo, phụ phẩm và sản phẩm từ thịt heo không rõ nguồn gốc, chưa qua kiểm dịch của cơ quan thú y, đồng thời xử lý các trường hợp vi phạm có liên quan. Thường xuyên theo dõi và nhắc nhở Ban quản lý các chợ tăng cường kiểm tra, tuyên truyền, vận động người kinh doanh trong khu vực chợ không kinh doanh heo, thịt và sản phẩm từ heo không rõ nguồn gốc, xuất xứ, không qua kiểm dịch của cơ quan thú y. Chủ động phối hợp các cơ quan, đơn vị có liên quan xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. 

Riêng đối với Trạm Chăn nuôi và Thú y liên quận Phú Nhuận, Bình Thạnh cần thường xuyên cập nhật, thông tin kịp thời diễn biến tình hình dịch bệnh cho các đơn vị có liên quan và các UBND phường để phối hợp triển khai thực hiện các biện pháp phòng, chống vi phạm như nêu trên đạt hiệu quả. Đồng thời phối hợp các đơn vị chức năng kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp. Thường xuyên tổ chức thực hiện vệ sinh, khử trùng tiêu độc tại các chợ, các khu vực kinh doanh và phương tiện vận chuyển gia súc.

 Bên cạnh đó, các lực lượng chức năng cần thành lập các đoàn kiểm tra liên ngành an toàn thực phẩm, tăng cường kiểm tra các chợ, điểm kinh doanh thịt và sản phẩm từ heo, các nhà hàng, quán ăn, cơ sở sản xuất chế biến kinh doanh thịt và sản phẩm từ heo; kiểm tra, xử lý các trường hợp vi phạm. Tăng cường đấu tranh phòng, chống và xử lý nghiêm các tội phạm về buôn lậu, kinh doanh, vận chuyển, tiêu thụ heo, thịt và sản phẩm từ heo không rõ nguồn gốc, xuất xứ, không qua kiểm dịch của cơ quan thú y, không đảm bảo an toàn thực phẩm. 

HOÀNG QUÂN

Bài viết nổi bật

Dâng hương kỷ niệm 79 năm Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam

  Ngày 27/8/2024, Quận ủy, Ủy ban nhân dân, Ủy ban MTTQ Việt Nam quận tổ chức lễ dâng hương, đặt vòng hoa tưởng nhớ công lao các anh hùn...

Bài viết phổ biến